Non nước Việt Nam

Ðộc đáo phù điêu sư tử tháp Bánh Ít - Bình Định

Cập nhật: 05/03/2024 12:11:59
Số lần đọc: 741
Vùng đất Bình Định xưa kia từng là kinh đô Vijaya một thời huy hoàng của vương quốc Champa trải dài gần 5 thế kỷ (từ thế kỷ XI - XV), chính vì vậy di sản văn hóa Champa còn lưu giữ rất nhiều, trong đó phải kể đến hệ thống đền tháp còn khá nguyên vẹn với tổng cộng 8 cụm/14 tháp rải khắp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cụm tháp Bánh Ít được xem là một trong những di tích đền tháp Champa đẹp và còn nguyên vẹn bậc nhất.


Phù điêu sư tử tháp Dương Long. Ảnh: Viết Tuấn

Trang trí kiến trúc trên các tầng tháp thuộc cụm tháp Bánh Ít kết hợp nhiều loại hình, chất liệu khác nhau; có cả điêu khắc trang trí bằng chất liệu đá sa thạch và đất nung, đề tài trang trí cũng khá phong phú và đa dạng. Đối với trang trí kiến trúc bằng chất liệu đá sa thạch có các loại hình như: Tượng thần Shiva, bánh xe mặt trời, phù điêu các tu sĩ trang trí trong các ô khám trên các tầng tháp, tai lửa đá sa thạch… Trang trí bằng chất liệu đất nung có các loại hình như: Phù điêu tu sĩ, mặt kala, tai lửa đất nung…

Đáng chú ý là phù điêu sư tử bằng chất liệu đất nung khá đặc biệt, được thể hiện trong tư thế hai chân sau đứng thẳng, hai chân trước giơ cao ngang đầu, lòng bàn chân hướng về phía trước. Phần đầu sư tử được chạm khắc rất chi tiết, toát lên những nét đặc trưng của sư tử Champa như: Mắt to lồi, có nhiều lớp mí xếp lớp chồng lên nhau, đôi tai to vểnh lên phía trên, miệng há rộng để lộ hai hàm răng và những chiếc răng nanh sắc nhọn. Phần thân được chạm khắc những đường nét khá đơn giản, phần thắt lưng mặc sampot có tà buông thõng xuống, cổ đeo trang sức hai vòng tròn. Với cách thức thể hiện trên khối hình chữ nhật, có chuôi để gắn vào kiến trúc tháp và đối chiếu với các phù điêu sư tử tạc trực tiếp vào gạch ở phần chân đế tháp Hỏa của cụm tháp Bánh Ít, rất có thể phù điêu sư tử này cũng được sử dụng để gắn vào phần chân đế tháp.

Phù điêu sư tử tháp Bánh Ít bằng đất nung. Ảnh: Viết Tuấn

Phù điêu sư tử bằng chất liệu đá sa thạch được phát hiện khá nhiều tại một số di tích và phế tích tháp Champa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tại cụm tháp Dương Long phát hiện được những băng hoa văn trang trí phù điêu sư tử ở phần chân đế tháp có một số đặc điểm khá giống với phù điêu sư tử đất nung tháp Bánh Ít, đó là: Mắt to lồi, chân mày xếch ngược, miệng để lộ hai chiếc răng nanh sắc nhọn, hai chân trước giơ cao ngang đầu, lòng bàn chân cũng hướng ra phía trước. Tuy nhiên, phù điêu chỉ được thể hiện ở dạng bán thân chứ không trọn vẹn cả thân hình như phù điêu sử tử đất nung tháp Bánh Ít.

Ở dạng phù điêu sư tử bằng đất nung còn phát hiện được một số phù điêu Sư tử - Makara được tạc một mặt nghiêng tại phế tích tháp Xuân Mỹ (Phước Hiệp, Tuy Phước). Ở hóa thân này, ngoài những đặc điểm nổi bật của một sư tử Champa thì con vật còn mang một số đặc điểm của con vật huyền thoại Makara trong tín ngưỡng của người Chăm xưa.

Nguyễn Viết Tuấn

Nguồn: Báo Bình Định - baobinhdinh.vn - Đăng ngày 04/03/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT