Phát huy giá trị văn hóa lễ hội trong đời sống đồng bào dân tộc Cống
Năm nay, bà con ở Huổi Moi rất phấn khởi do đây là lần đầu tiên Tết hoa mào gà được được chính quyền xã Pa Thơm tổ chức quy mô ở bản. Theo đó, trên nẻo đường vào bản, bà con người Cống trong và ngoài xã đã tề tựu về đây để cùng chung vui ngày Tết với bà con bản Huổi Moi. Con đường vào bản nhộn nhịp hơn mọi ngày với những khuôn mặt háo hức, phấn khởi. Sau thời gian tất bật với công việc bếp núc, nhà cửa, đến buổi chiều là thời điểm chuẩn bị diễn ra lễ cúng, các chị em lại được khoác lên mình bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, rực rỡ nhất. Trong khi đó, người đàn ông trụ cột trong gia đình từ sáng sớm phải lên nương để hái hoa mào gà.
Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Hoa mào gà được dùng để trang trí trước cổng nhà thầy cúng và dùng để làm lễ vật trong nghi thức cúng. Đến buổi chiều, trước khi diễn ra lễ cúng, các gia chủ mang lễ vật gồm hoa mào gà, sóc hoặc chuột, cá suối, gà, bánh tẻ, củ quả, rượu đến nhà thầy cúng. Người chủ trì lễ cúng là già làng, người có uy tín được bà con trong bản kính trọng và cũng chính là thầy cúng trong phần lễ. Địa điểm diễn ra lễ cúng cho Tết hoa mào gà là nhà thầy cúng. Trước khi diễn ra lễ một tuần, thầy cúng chọn ngày lành, tháng tốt (tránh ngày mất, chôn cất của những người quá cố trong bản) để tổ chức ngày Tết. Lễ vật của tất cả bà con trong bản được xếp lại thành một mâm lễ thịnh soạn (xếp theo cặp) đặt ở góc nhà, phía trên cắm những bông hoa mào gà đỏ rực, thắp nến sáp ong.
Khi mọi lễ vật đã được chuẩn bị chu đáo, mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc trang phục dân tộc truyền thống đến tụ họp tại nhà thầy cúng. Khoảng 4 giờ chiều, thầy cúng bắt đầu nghi lễ cúng cho tổ tiên và cho bản làng. Trong bài cúng, thầy cúng mời tổ tiên về; báo cáo cho các thần linh, tổ tiên biết bà con tổ chức nghi lễ. Thầy cúng thay mặt dân bản báo cáo tình hình mùa màng, chăn nuôi, sức khỏe của bà con trong năm qua và cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ dân bản sang năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, gà, lợn đầy chuồng và cầu cho mọi sự tốt lành may mắn đến cho bản mường. Sau lễ cúng, người dân trong bản gõ cồng chiêng mừng kết thúc buổi lễ. Sau đó, thầy cúng nâng chén rượu mời bà con cũng như bạn bè, du khách cùng chung vui năm mới với những điều tốt đẹp nhất.
Thầy cúng Nạ Văn May ở bản Huổi Moi, cho biết: Tết hoa mào gà được tổ chức khi bà con trong bản thu hoạch xong mùa màng. Ngày Tết là dịp thể hiện mong muốn của người dân bản về sự đoàn kết, ai cũng khỏe mạnh, mùa màng bội thu, nhiều lợn, nhiều gà, đời sống hạnh phúc và làm ăn phát đạt… Tết hoa mào gà là dịp để bà con hướng về cội nguồn tổ tiên và bày tỏ lòng biết ơn với các thần linh đã phù hộ cho bà con suốt một năm qua có sức khỏe và mùa màng tươi tốt; đồng thời, cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới.
Tối đến, cả bản cùng hân hoan trong tiếng chiêng đồng, cùng nhau nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản mường bước sang một năm mới vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở như những trận mưa hạt giống này. Mọi người đến xem hò reo, cổ vũ náo nhiệt, khiến không khí của ngày hội thêm tưng bừng. Chương trình vui Tết hoa mào gà được kéo dài đến ngày hôm sau, bà con trong bản tập trung ra bãi đất trống để tham gia phần hội, với các chương trình văn nghệ và thi thố các trò chơi dân gian như: đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy… Các trò chơi được diễn ra sôi nổi với sự cổ vũ nhiệt tình của bà con trong bản và khách mời. Ngoài phần thi thố quyết liệt, các vận động viên mời bà con trong bản và khách mời cùng tham gia chơi các trò chơi dân gian.
Chị Nạ Thị Chiêu, người dân bản Huổi Moi, cho biết: Năm nay, được xã tổ chức ngày Tết hoa mào gà cho bà con nên người dân rất phấn khởi và háo hức. Để chuẩn bị cho ngày Tết, chị đã tự tay may bộ quần áo mới cho mình và cho các con nhằm dành riêng cho dịp này. Dù cuộc sống còn thiếu thốn nhưng cứ đến ngày Tết, mọi người trong bản lại quây quần và vui chơi, để có động lực cho một năm mới thêm may mắn và công việc nương rẫy thêm thuận lợi.
Huổi Moi là một trong những bản khó khăn nhất của xã Pa Thơm, với 32 hộ dân và 100% là người dân tộc Cống, trong đó có đến 29 hộ nghèo. Hiện nay, Huổi Moi vẫn chưa có điện, chưa có nước sạch sinh hoạt, người dân phải sử dụng nguồn nước từ các khe suối. Người dân sống trên địa hình đất dốc lại cằn cỗi nên rất khó để trồng trọt, chăn nuôi. Mặt khác, do giao thông đi lại khó khăn, xa trung tâm xã nên cuộc sống bà con chủ yếu là tự cung tự cấp. Tuy vậy, người dân trong bản vẫn lưu giữ những nét văn hóa dân tộc đặc sắc từ nhà cửa, trang phục đến các nghi lễ văn hóa như: lễ cúng cơm mới, cúng ma nhà, cúng tổ tiên trời đất, lễ cưới, lễ mừng nhà mới.
Ông Lò Văn Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm, khẳng định: Qua các hoạt động lễ hội, đồng bào dân tộc Cống từng bước bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện nay, tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Cống; đồng thời, động viên, khích lệ các nghệ nhân, đồng bào trong cộng đồng dân tộc Cống nâng cao ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, không ngừng sáng tạo, làm phong phú nền văn hóa dân tộc, góp phần vào làm giàu thêm văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm cũng cho biết, hiện toàn xã có 3 dân tộc là Lào, Khơ Mú và Cống sinh sống; trong đó, người dân tộc Cống hiện có 110 hộ, chiếm hơn 30% dân số trong xã, sống tập trung ở hai bản Huổi Moi và Púng Bon. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách quan tâm đến người dân tộc Cống ở Pa Thơm cũng như các địa phương khác trong tỉnh, cụ thể là Đề án “phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống” đã được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt từ năm 2012. Nhờ có Đề án mà nơi đây đã đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa… Tuy nhiên, hiện nay cuộc sống của cộng đồng người dân tộc Cống tại xã Pa Thơm vẫn còn nhiều khó khăn; đặc biệt là bản Huổi Moi./.