Phát huy tiềm năng, đưa du lịch “Thủ phủ sen hồng” cất cánh
Du khách cùng những người dân bản địa đi thuyền ba lá thưởng ngoạn sen và đánh bắt thủy sản trong Đồng Sen Gò Tháp bằng phương pháp truyền thống. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Đa dạng hóa sản phẩm
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Đồng Tháp đã đưa ra nhiều nhóm nhiệm vụ, trong đó chú trọng cơ cấu lại thị trường khách du lịch đến với Đồng Tháp.
Theo đó, tập trung khai thác thị trường khách châu Âu và khu vực Đông Bắc Á, chú trọng khách du lịch có khả năng chi trả cao, lưu lại dài ngày, trải nghiệm văn hóa bản địa và tham quan cảnh quan thiên nhiên.
Đồng thời, phát triển thị trường khách du lịch tham quan thưởng ngoạn, ngắm cảnh quan thiên nhiên, sông nước miệt vườn; trải nghiệm nông nghiệp-làng nghề, thưởng thức ẩm thực dân gian Nam bộ; du lịch lễ hội-tâm linh, gắn với tìm hiểu văn hóa, lịch sử, cách mạng.
Bên cạnh đó, tỉnh củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch. Trong đó, ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm của khách du lịch.
Tỉnh tiếp tục phát triển mạnh hệ thống sản phẩm du lịch có lợi thế về tự nhiên và văn hóa, gắn với các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh, như du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch nông nghiệp sạch, công nghệ cao; tìm hiểu đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Tràm Chim...
Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng như du lịch mua sắm; du lịch cộng đồng.
Tỉnh cũng sẽ chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch. Theo đó, từng bước tăng số lượng lao động trực tiếp, chú trọng lao động lành nghề, có tính chuyên nghiệp cao. Tăng dần tỷ trọng lao động qua đào tạo.
Người dân bản địa sẽ từng bước được vận động, hướng dẫn, bồi dưỡng tham gia và trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh và nét đẹp của từng địa phương.
Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch có chất lượng, và giá trị cao.
Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Tỉnh có chính sách thu hút các doanh nghiệp lữ hành lớn đến mở chi nhánh tại Đồng Tháp.
Việc tổ chức Tuần lễ du lịch hàng năm cũng là một trong những giải pháp quảng bá, kích cầu du lịch của Đồng Tháp.
Tuần Văn hóa Du lịch Đồng Tháp 2019 sẽ diễn ra từ 10 đến 14/7 với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn như Lễ giỗ Ông Bà Đỗ Công Tường lần thứ 199; giao lưu đờn ca tài tử-Hò Đồng Tháp-Bài chòi; thư pháp trên lá sen; ẩm thực Cao Lãnh-Hội An; các trò chơi dân gian; hội thi trạng nguyên, hội thi vẽ tranh thiếu nhi; giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn-trình diễn làng nghề thủ công tiêu biểu tỉnh Đồng Tháp...
Bên cạnh đó, còn có các hoạt động phối hợp tổ chức liên kết phát triển du lịch, như không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch, đặc sản Đồng Tháp và các tỉnh thành phố, lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý du lịch.
Phát huy tiềm năng du lịch
Với lịch sử phát triển hơn 300 năm, Đồng Tháp là địa phương có truyền thống lịch sử lâu đời, nhiều di tích văn hoá, cách mạng, như Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vườn Quốc gia Tràm Chim - Khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới, Khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp - di tích quốc gia đặc biệt gắn liền với nền văn hoá Óc Eo...
Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp còn giữ được nét hoang sơ cùng nhiều cảnh quan sinh thái đặc trưng, sông nước hữu tình và quyến rũ, cây trái bốn mùa trĩu quả, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử với nhiều lễ hội dân gian truyền thống với những nét văn hóa độc đáo.
Ngoài ra, Đồng Tháp còn được biết đến với các làng nghề nổi tiếng như hoa kiểng Sa Đéc, gốm Châu Thành, nem Lai Vung, chiếu Định Yên và các sản vật đặc trưng như: xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, bưởi Phong Hoà, quýt hồng Lai Vung...
Đặc biệt, nơi đây nổi tiếng với những cánh đồng sen. Sen có mặt ở khắp nơi, có chỗ là cả thửa dài vài trăm mét vuông, có chỗ là các đầm lọt giữa rừng đước, hoa sen nở ngút ngàn trên mặt đầm, gió thổi mạnh từng cơn đưa hương sen đi khắp nơi, thứ hương thơm tinh khiết từ những bông hoa cho khách lạ bao xúc cảm khi đến với mảnh đất này.
Và cứ vào mùa nước nổi (khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch/ tức tháng 8 đến tháng 11 hàng năm), cùng với sự phong phú của sản vật địa phương và cảnh sắc mênh mông quyến rũ, hương sen dịu ngọt lại thu hút du khách về nơi đây.
Không chỉ đắm mình trong khung cảnh nên thơ, lãng mạn của những đầm sen bạt ngàn, du khách còn được tự tay chèo thuyền, câu cá và hái hoa sen cùng với người dân... Tất cả các yếu tố đặc sắc đó trở thành tiềm năng du lịch lớn cho địa phương này.
Tuy vậy, chỉ từ năm 2015, sau khi triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020, du lịch tỉnh mới có bước bứt phá ngoạn mục.
Đến nay, nhiều khu du lịch Đồng Tháp đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, như Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Xẻo Quýt, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười, Khu du lịch văn hóa Phương Nam, Quần thể di tích Gò Tháp, Làng hoa kiểng Sa Đéc và hàng chục điểm du lịch cộng đồng, homestay.
Mỗi điểm đến đều có những sản phẩm du lịch riêng tạo sức hấp dẫn đối với du khách. Trong đó, Khu Đồng Sen Tháp Mười là một trong những điểm đến yêu thích vào dịp cuối tuần của khách du lịch trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Đồng Tháp những năm gần đây tăng đáng kể. Nếu như năm 2014, tổng lượng khách du lịch đến “thủ phủ sen hồng” mới chỉ khoảng 1,8 triệu lượt thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên 3,6 triệu lượt (tăng 7,88% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó có 90.000 lượt khách quốc tế (tăng 15,42% so với cùng kỳ).
Doanh thu du lịch năm 2018 ước đạt 800 tỷ đồng, tăng 16,96% so với cùng kỳ năm 2017.
Con số 3,6 triệu lượt khách du lịch trong năm 2018 cũng đã đạt và vượt mục tiêu (đến năm 2020 đạt 3,5 triệu lượt khách) đã đề ra tại Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020.
Năm 2019, du lịch Đồng Tháp tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020 và kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp năm 2019 gắn với sản phẩm đặc trưng và tạo dựng hình ảnh địa phương, nỗ lực phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Cụ thể, mục tiêu của tỉnh năm nay là phấn đấu thu từ du lịch đạt 1.000 tỷ đồng; tổng lượt khách phục vụ là 3,8 triệu lượt, trong đó có 95.000 lượt khách quốc tế.
Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách đến Đồng Tháp đạt gần 2 triệu lượt người với tổng doanh thu ước đạt 500 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm 2018./.