Hoạt động của ngành

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển du lịch Sóc Trăng

Cập nhật: 05/04/2023 12:42:38
Số lần đọc: 537
Năm 2022, du lịch Sóc Trăng đã phục hồi mạnh mẽ, tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V; các doanh nghiệp du lịch đã đẩy mạnh xây dựng, kết nối tour, tuyến thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm ở các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Sóc Trăng là vùng đất hội tụ 3 dân tộc anh em: Kinh - Khmer - Hoa, sinh sống chan hòa với những nét văn hóa đa dạng, đặc sắc và là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch tâm linh, du lịch lễ hội và du lịch sinh thái miệt vườn. Điểm nhấn là tỉnh Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa Khmer cổ kính, trong đó, có những ngôi chùa khá nổi tiếng như: chùa Mahatup (chùa Dơi), Khleang, Sro Lôn (Chén Kiểu), Som Rong, Đất Sét… không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn mang giá trị tâm linh trong đời sống của người dân.

Một trong những lễ hội tiêu biểu nổi tiếng của người Khmer là Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống và nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc như sân khấu Dù kê, Rô băm, các điệu múa dân gian, phong tục, tập quán của người Khmer, người Hoa được quan tâm, bảo tồn và phát triển để khai thác du lịch. Cùng với đó là du lịch cộng đồng khám phá cảnh quan, làng nghề truyền thống của người dân nông thôn miệt vườn gắn với tìm hiểu nét sinh hoạt, bản sắc văn hóa dân tộc, cùng tham gia các hoạt động hàng ngày của người dân, thưởng thức ẩm thực bản địa là những trải nghiệm lý thú cho du khách.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cùng các doanh nghiệp du lịch đi khảo sát các điểm du lịch trên tuyến sông. Ảnh: Thạch Pích

Là một doanh nghiệp du lịch khai thác trên sông, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Thanh Sơn ST4.0 Lê Thanh Sơn chia sẻ: “Nếu muốn phát triển du lịch bền vững thì cũng như chúng ta mặc chiếc áo mới, đổi mới và tạo ra nhiều điểm nhấn sản phẩm độc lạ. Để khai thác du lịch trên sông, công ty đã đầu tư và hợp tác du lịch trên dòng sông Maspero đi đến cầu Tân Thạnh, cầu Mạc Đĩnh Chi, cho khách ghé tham quan chùa Peam Buôl Thmây, ngã ba Sung Đinh thuộc thành phố Sóc Trăng. Ngoài ra, du lịch Thanh Sơn còn kết hợp với điểm du lịch Sông Quê tại cồn Phong Nẫm (huyện Kế Sách) và kết nối với các điểm nhà vườn cây ăn trái, kết hợp làm du lịch cho du khách tham quan, trải nghiệm”.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long Lâm Thanh Bình cho rằng: “Với tiềm năng và vị trí thuận lợi của mình, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, hoạt động du lịch tỉnh Sóc Trăng những năm trước 2020 có mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10 - 12%. Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 2/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 định hướng đến năm 2025 ra đời, cùng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, hứa hẹn bước phát triển mạnh mẽ trong các năm tiếp theo. Thế nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch nước ta, trong đó, có đồng bằng sông Cửu Long và Sóc Trăng”.

Năm 2022, du lịch Sóc Trăng đã phục hồi mạnh mẽ, tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp du lịch đã đẩy mạnh xây dựng, kết nối tour, tuyến thu hút nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm. Tiêu biểu như Trần Đề - Côn Đảo, homestay Vườn cò - chợ nổi Ngã Năm, các điểm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung, Kế Sách, làng nghề Vĩnh Châu... Ngành du lịch Sóc Trăng đã đón hơn 2 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng, đạt 127% kế hoạch năm.

“Các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu đầu tư phát triển sản phẩm mới, cơ cấu lại thị trường, nhất là thị trường nội địa để bù đắp lượng khách quốc tế còn hạn chế. Đồng thời sắp xếp, bố trí lại bộ máy tổ chức, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, làm mới sản phẩm dịch vụ và thương hiệu, chuẩn bị cho làn sóng phát triển du lịch sau này” - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long Lâm Thanh Bình cho biết thêm.

Các doanh nghiệp du lịch đi khảo sát tại điểm du lịch Sông Quê cồn Phong Nẫm, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Ảnh: Thạch Pích

Du lịch Sóc Trăng tuy có bước phát triển mới trong những năm gần đây, nhưng nguồn lực và tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên du lịch của tỉnh vẫn chưa được khai thác đúng mức. Các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch của tỉnh chưa được khai thác đa dạng và phong phú. Phải thấy rằng khách du lịch đến Sóc Trăng đa số là từ công ty các tỉnh, thành bạn đưa đến, hay chỉ ghé tham quan vài điểm ở Sóc Trăng rồi đi tỉnh khác.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng Phạm Văn Đâu cho biết: “Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Tăng cường các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, đầu tư mới hệ thống cơ sở lưu trú, trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, trung tâm giải trí về đêm, khu phố đi bộ gắn với đặc trưng văn hóa 3 dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa để thu hút khách du lịch tham quan trải nghiệm. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và Cụm phía Tây đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp lữ hành của các địa phương để kịp thời định hướng nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình liên kết, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai bản thỏa thuận về ký kết tour, tuyến du lịch cũng như liên kết cung cấp các dịch vụ du lịch giữa đại diện các doanh nghiệp du lịch Sóc Trăng với các công ty du lịch, đơn vị lữ hành các tỉnh, thành phố trong cả nước”.

Có thể nói, kết quả đạt được là có sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp du lịch tỉnh nhà và để du lịch Sóc Trăng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, thiết nghĩ cần phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp du lịch, khẳng định vị trí quan trọng của doanh nghiệp trong hoạt động du lịch. Qua đó, Nhà nước, địa phương quan tâm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, có chính sách miễn giảm thuế thích hợp và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng về ý nghĩa quan trọng của du lịch, theo đó, tạo sự đồng thuận của xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động và kinh doanh đúng pháp luật.

Thạch Pích

Nguồn: Báo Sóc Trăng - baosoctrang.org.vn - Đăng ngày 04/04/2023

Cùng chuyên mục