Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu
Du khách trải nghiệm không gian sinh thái. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Đây là nhận định, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học tại tọa đàm khoa học “Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu trong bối cảnh mới” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Bạc Liêu tổ chức, diễn ra ngày 18/6 tại thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).
Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cho rằng Bạc Liêu là một tỉnh phát triển trọng tâm về nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp vừa có tính đa dạng vừa có tính đặc thù, đó là tiền đề tạo thuận lợi lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp.
Để du lịch nông nghiệp Bạc Liêu phát triển nhanh, xứng tầm và bền vững cần sự chung tay, góp sức của những chuyên gia đầu ngành, những doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các dịch vụ du lịch, sự quyết tâm của người dân tham gia, đặc biệt là sự chỉ đạo, lãnh đạo của tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Đánh giá về tiềm năng du lịch nông nghiệp Bạc Liêu, thạc sỹ Bùi Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết tỉnh đang bước đầu hình thành các không gian có thể phát triển thành các mô hình sản phẩm du lịch như du lịch tham quan Vườn nhãn Bạc Liêu (Giồng nhãn Bạc Liêu) với tổng số gần 1.200 gốc nhãn cổ trên địa bàn xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông của thành phố Bạc Liêu; du lịch tham quan gắn với biển, dải rừng ngập mặn và sinh thái nông nghiệp (Khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, sản xuất muối…), ngư nghiệp, du lịch vườn, du lịch kết hợp với tham quan điện gió; du lịch tham quan các hệ thống vườn chim, vườn cò...
Tuy nhiên, ông Bùi Thanh Toàn cho rằng du lịch nông nghiệp Bạc Liêu còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như các sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa hình thành nên chuỗi giá trị sản phẩm.
Việc đầu tư, khai thác chưa được đồng bộ, chưa có sự liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp. Hệ thống sản phẩm du lịch vùng nông nghiệp còn đơn điệu, các dịch vụ phục vụ du khách chưa được đầu tư xây dựng đúng mức.
Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp của tỉnh chủ yếu là các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình, các dịch vụ du lịch còn đơn điệu.
Đồng thời, các loại hình vui chơi, giải trí hầu như chưa phát triển tại khu vực nông thôn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm du lịch tại khu vực này.
Thạc sỹ Trịnh Công Vinh (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bạc Liêu) và tiến sỹ Trương Thu Trang (Đại học Bạc Liêu) xác định nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, tồn tại trong phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng của tỉnh Bạc Liêu chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng và xã hội hóa cao; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao.
Nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế, chưa xây dựng được cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch.
Khởi nghiệp du lịch chưa được quan tâm đúng mức; thiếu các công trình nghiên cứu, đề tài, dự án khoa học chuyên ngành du lịch.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch của tỉnh Bạc Liêu còn yếu. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và giáo dục cộng đồng phục vụ phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức.
Xây dựng chiến lược riêng
Để du lịch nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng Bạc Liêu cần xây dựng chiến lược riêng cho lĩnh vực này.
Chiến lược này cần xác định rõ nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp Bạc Liêu có những điểm mạnh, những nét riêng khó lẫn với các tỉnh thành khác như: cánh đồng muối, khu nuôi tôm công nghệ cao, Giồng nhãn Bạc Liêu...
Các chuyên gia cũng cho rằng tất cả những hoạt động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có thể đưa vào xây dựng thành sản phẩm du lịch nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp đặc thù. Chiến lược cần xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp từng giai đoạn cụ thể như nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư, các gói sản phẩm du lịch…
Trên phương diện quản lý nhà nước, thạc sỹ Bùi Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đưa ra một số giải pháp: các cấp chính quyền của tỉnh cần tiến hành khảo sát, đánh giá đầy đủ, toàn diện về tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn, từ đó xây dựng quy hoạch, đề ra các chinh sách hỗ trợ phát triển hợp lý; tăng cường tuyên truyền, quảng bá cho các chương trình du lịch nông nghiệp được xây dựng trên cơ sở khai thác và phát triển bền vững tài nguyên, kết hợp phát triển du lịch với phát triển nông thôn…
Cũng theo ông Bùi Thanh Toàn, Bạc Liêu tiếp tục có những định hướng hình thành các không gian để phát triển du lịch khu vực nông nghiệp như khai thác các giá trị văn hóa, các phong tục, tập quán, các lễ hội truyền thống độc đáo của 3 dân tộc Kinh-Hoa-Khmer để thu hút khách du lịch.
Tỉnh phối hợp các ngành liên quan duy trì các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tính đặc trưng của Bạc Liêu như làng nghề đan đát ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long; làng nghề mộc, nghề dệt chiếu… huyện Hồng Dân; nghề làm muối tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải…
Để phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, thạc sỹ Trịnh Công Vinh và tiến sỹ Trương Thu Trang cho rằng Bạc Liêu cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch nông nghiệp cho cán bộ quản lý và người dân, cũng như công ty, doanh nghiệp trực tiếp thực hiện; xây dựng và thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp; có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp; liên kết, kết nối giữa các sở, ban, ngành liên quan, các cơ quan xúc tiến du lịch, báo đài, doanh nghiệp, người dân làm du lịch nông nghiệp.
Hai chuyên gia cho rằng cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải quán triệt và có trách nhiệm tham gia, hỗ trợ cho hoạt động du lịch từ khâu quy hoạch, cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch liên kết thành chuỗi du lịch cho đến thủ tục giấy phép hoạt động, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn du khách./.