Quảng Ninh: Đánh thức tiềm năng du lịch Đầm Hà
Cột cờ núi Hứa nơi ghi dấu ấn lịch sử của mảnh đất anh hùng
Huyện Đầm Hà hiện có 3 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là cụm di tích Đình – Chùa – Miếu Đầm Hà; Rừng cò - Núi Hứa và Tượng đài anh hùng liệt sỹ Hà Quang Vóc; 5 di tích đã kiểm kê, phân loại là: đình Tràng Y, đồn Đen, chùa Sâu, Miếu Cửa sông và Nhà thờ xứ đạo Hà Lai.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã dần định hình được các tuyến, điểm du lịch với các loại hình: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch dịch vụ, du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, cụm di tích lịch sử Đình, Chùa Miếu….
Trong đó, với tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, huyện đã phê duyệt dự án đầu tư khu du lịch sinh thái bản Tầm Làng, xã Quảng An. Khi đi vào hoạt động cùng với du lịch, khám phá thác Bạch Vân kết hợp sản xuất nông nghiệp và xây dựng làng văn hóa dân tộc. Nhằm tạo thêm cảnh quan cho khu vực, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; quảng bá các sản vật đặc trưng, khác biệt của địa phương và văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số. Giới thiệu sản phẩm truyền thống làng nghề đan nón Đại Hiệp, thêu tay áo, gấu quần của người Dao.
Mặc dù đang trong quá trình nghiên cứu, đầu tư, nhưng với cảnh sắc thiên nhiên phong phú đã có rất đông du khách tìm đến tham quan, thưởng ngoạn. Trong 9 tháng đầu năm 2019 đã có trên 20 nghìn lượt du khách đến với Đầm Hà. Tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 7 tỷ đồng.
Đặc biệt, cùng với việc phát triển các sản phẩm OCOP, huyện cũng đã thu hút đầu tư phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm. Trong đó có mô hình nông nghiệp sạch của Công ty Cổ phần thương mại và xây dựng Đầm Hà, đã góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu của Đầm Hà.
Cùng với đó, cụm di tích lịch sử đình, chùa, miếu Đầm Hà cũng đang được gìn giữ và phát huy hiệu quả. Hàng năm, lễ hội đình Đầm Hà, đình Tràng Y được tổ chức gắn với các hoạt động của tuần lễ thể thao và du lịch, trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch. Ngoài ra, dự án chùa Sâu sẽ được đầu tư với nguồn vốn huy động xã hội hóa khoảng 90 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng.
Để đánh thức tiềm năng du lịch địa phương, những năm gần đây Đầm Hà đã dốc lực cho phát triển du lịch. Theo đó, để phát triển các sản phẩm du lịch, huyện quan tâm thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch, đồng thời tăng cường phối hợp đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: "Giải pháp tiếp theo trong thời gian tới của huyện đó là cung cấp được nguồn nhân lực không chỉ cho du lịch của huyện mà còn cả các địa phương khác để thu hút những nhà đầu tư. Đồng thời tiếp tục giữ vững môi trường trong lành, tạo sức hút, điểm nhấn riêng. Tập trung vào xây dựng các trung tâm, điểm đến, làng văn hóa các dân tộc, trung tâm OCOP, trung tâm phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển nuôi trồng thủy sản và trải nghiệm các hoạt động sản xuất của người dân.
Đối với Đầm Hà là địa phương phát triển du lịch, trong điều kiện chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp và các đơn vị lữ hành thì chính mỗi người dân Đầm Hà là những hướng dẫn viên du lịch, là những người trực tiếp giới thiệu, quảng bá về du lịch của huyện nói chung, của từng đia phương nói riêng".
Trong tương lai gần, Đầm Hà sẽ xây dựng được những điểm du lịch hấp dẫn, không thể thiếu trong hành trình du khách đến với Quảng Ninh.