Tin tức - Sự kiện

Phát triển hiệu quả kinh tế ban đêm

Cập nhật: 22/12/2023 14:28:28
Số lần đọc: 786
Sau ba năm triển khai, Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được ban hành theo Quyết định 1129 của Thủ tướng Chính phủ đã bước đầu thay đổi nhận thức về mô hình kinh tế này, tạo được sức hút mới đối với nhiều điểm đến du lịch, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.


Khu ẩm thực tại chợ đêm thu hút nhiều khách tham quan. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đặt dấu mốc then chốt kích hoạt và mở đường cho kinh tế ban đêm phát triển bài bản như một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước.

Những kết quả bước đầu

Sau ba năm, đã có gần 86% UBND các địa phương ban hành chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện. Phần lớn các địa phương ban hành chương trình, kế hoạch riêng. Một số địa phương có lồng ghép các nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Quyết định số 1129/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở những thành phố/trung tâm lớn, nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Trên thực tế, các địa phương này đã có không ít nỗ lực nhằm cụ thể hóa các kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ cụ thể về đêm.

Hà Nội là địa phương luôn tiên phong nỗ lực tăng doanh thu ngành du lịch bằng việc tổ chức hoạt động kinh tế du lịch đêm. Thành phố đã có một số khu vực hoạt động kinh tế ban đêm như khu Tạ Hiện, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cuối tuần, phố đi bộ Trần Nhân Tông, phố ẩm thực Tống Duy Tân, thành cổ Sơn Tây. Một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ đã được mở cửa đến 2 giờ sáng... Nhiều doanh nghiệp còn kết hợp với điểm đến tổ chức tour du lịch đêm tại Di tích Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Hà Nội... Hà Nội cũng có những không gian phát triển kinh tế ban đêm, tập trung ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ. Các mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật đêm cũng được chú trọng phát triển như Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long…

Ở Cần Thơ, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1401/QĐ-UBND ngày 28/4/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm. Mô hình thí điểm tuyến phố đi bộ Ninh Kiều (tuyến phố đi bộ) đã đi vào hoạt động hơn một năm, trên cơ sở Đề án Phát triển kinh tế ban đêm (thí điểm tại quận Ninh Kiều) của UBND thành phố. Đây là tuyến phố đi bộ đầu tiên của Cần Thơ, hình thành không gian vui chơi giải trí ban đêm gắn với các hoạt động du lịch.

Các mô hình phát triển kinh tế đêm tại TP Hồ Chí Minh hiện đang hoạt động khá sôi động và tạo nên “thương hiệu” như: Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền… Phố ẩm thực đêm Nguyễn Thượng Hiền dài 368 m (từ đầu giao lộ Nguyễn Thượng Hiền - Điện Biên Phủ đến giao lộ Nguyễn Thượng Hiền - Nguyễn Đình Chiểu, thuộc địa bàn Phường 4, Quận 3), với 143 cơ sở kinh doanh, trong đó có 92 hộ kinh doanh ăn uống giá bình dân và 51 hộ kinh doanh các dịch vụ khác như quần áo, giày dép, làm tóc... Quận Phú Nhuận cũng đã “chuyển đổi” đường Phan Xích Long thành phố ẩm thực đêm. Trục chính của phố này là đoạn từ ngã tư Phan Xích Long - Phan Đăng Lưu đến khu dân cư Rạch Miễu. Ngoài ra, UBND quận Phú Nhuận cũng bố trí khu vực xe điện, mở thêm bến thuyền tham quan trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để đón khách đi đường thủy từ Quận 1 và Quận 3.

Còn tại Đà Nẵng, với Quyết định số 3613/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tại TP Đà Nẵng”, bước đầu thành phố đã triển khai có hiệu quả một số hoạt động như: Khai trương bãi biển đêm Mỹ An với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim trên bãi biển, trải nghiệm check-in, chiếu sáng nghệ thuật… Đồng thời, Đà Nẵng dự kiến sẽ tăng tần suất trình diễn cho cầu Rồng phun lửa, phun nước vào thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hằng tuần; khai trương Phố du lịch An Thượng; tổ chức định kỳ chương trình âm nhạc đường phố; khai trương Công viên APEC; tổ chức hoạt động lại Chợ đêm Helio, chợ đêm Sơn Trà, phố ăn vặt Nam Ô,...

Đối với Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Lạt… UBND các địa phương đều có những động thái quyết liệt ở các cấp độ khác nhau thông qua các quyết định và chương trình hành động.

Chợ đêm Phú Quốc. Ảnh: Nam Anh

Hài hòa lợi ích

Tự hào là sân khấu “thực cảnh” đầu tiên tại Việt Nam, đến nay Tinh hoa Bắc Bộ vẫn khẳng định là vở diễn thu hút du khách đến xem khi đặt chân đến Hà Nội. Sân khấu là mặt hồ rộng 4.300 m2, dựa lưng vào ngọn núi chùa Thầy, huyện Quốc Oai.

Toàn bộ màn trình diễn là sự tổng hòa của các yếu tố hình ảnh, hiệu ứng âm thanh, kết hợp mềm mại với vũ đạo tái hiện lại những truyền thuyết và văn hóa dân gian Việt Nam một cách chân thật nhất. Anh Nguyễn Chấn Hùng, một du khách của Thủ đô cho biết: “Tôi may mắn đi nhiều nơi, nhiều nước, cũng được xem nhiều show diễn nhưng thật sự thấy show diễn này xuất sắc, độc đáo khi nó bao hàm được tinh hoa của Bắc Bộ trong hàng nghìn năm lịch sử”. Còn chị Oksana Nemchenko, du khách Kazakhstan đánh giá: “Tôi rất thích buổi biểu diễn này. Nó thể hiện nhiều nét văn hóa độc đáo, khơi dậy sự thích thú cho nhiều du khách”.

Đây chỉ là một trong rất nhiều sản phẩm du lịch đêm mà Hà Nội đang tập trung phát triển để thúc đẩy mô hình kinh tế ban đêm. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, thành phố đã có khá nhiều sản phẩm du lịch đêm khu vực nội thành rồi, như phố đi bộ tham quan Di tích Hỏa Lò, Hoàng thành… hay nhiều chương trình biểu diễn. Trong tương lai, thành phố sẽ định hình phát triển các khu du lịch đêm khu vực ngoại thành để hội tụ đủ các yếu tố.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, không phải sản phẩm du lịch đêm nào cũng có thể đạt hiệu quả như mô hình show diễn Tinh hoa Bắc Bộ của Thủ đô. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel, nhiều sản phẩm của mô hình kinh tế ban đêm còn tương đối đơn giản và chưa thể hiện sự đầu tư chuyên nghiệp. “Khi những mô hình như phố đi bộ, phố ẩm thực… đang ngày càng trở nên phổ biến, các địa phương cần khai thác những nét độc đáo riêng để tạo ra sự khác biệt và sức hấp dẫn”.

Theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Kế hoạch và Phát triển, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Đề án 1129 về kinh tế ban đêm tạo ra một xu thế mới, đặc biệt là yếu tố thu hút khách du lịch để họ chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, kinh tế ban đêm hiện vẫn là một vấn đề khá nhạy cảm, liên quan đến nhiều bộ, ban, ngành để quản lý các vấn đề như an ninh, văn hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế... Trong khi đó, vẫn còn sự “lệch pha” trong việc phối hợp quản lý, tổ chức các mô hình giữa các bộ, ngành. “Chẳng hạn, rõ ràng về mặt biên chế chúng ta quy định chỉ làm việc hành chính. Vậy những người làm việc ban đêm phục vụ phát triển mô hình kinh tế này thì như thế nào, trong khi luật tổ chức bộ máy của chúng ta chưa quy định rõ”.

Đề xuất về công tác quản lý các mô hình kinh tế ban đêm, ông Nguyễn Tiến Đạt cũng cho rằng, cần có một cơ quan chuyên trách về kinh tế ban đêm tại các địa phương để việc tổ chức các mô hình này mang tính chuyên nghiệp hơn. “Việt Nam vẫn cần học hỏi nhiều hơn mô hình ở các nước. Chính sách kinh tế ban đêm cần xây dựng đồng bộ từ việc xây dựng khung khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đến việc bố trí các khu vực phù hợp, nhân lực tham gia bảo đảm an ninh - trật tự, vệ sinh môi trường, kiểm soát an toàn thực phẩm, giao thông…”.

Còn theo TS Hà Thị Hồng Vân, Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam, dù đã có chính sách, nhưng trong ba năm qua, việc trải qua đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không ít đến sự phát triển kinh tế ban đêm. Đây thật sự là một mô hình mới, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nó không chỉ phục vụ nhu cầu rất lớn của du khách quốc tế mà còn đáp ứng mong mỏi của người dân tại chỗ. Tuy nhiên, các địa phương của Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để phát triển mô hình này một cách hiệu quả.

Đại Kim

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 19/12/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT