Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mở ra không gian sáng tạo không giới hạn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Cập nhật: 23/12/2023 08:07:11
Số lần đọc: 511
(TITC) - Sau khi lắng nghe ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra vào sáng nay (22/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị, báo cáo và các ý kiến tại Hội nghị; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến; sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản phù hợp sau Hội nghị, tinh thần là sau Hội nghị có chuyển biến về nhận thức, tư duy và hành động, tạo ra sản phẩm, kết quả cụ thể cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

Cụ thể, Thủ tướng nêu rõ 5 cơ sở chính trị rất quan trọng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, cụ thể gồm:

(1) Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa; văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế” và xác định nhiệm vụ: “Hoàn chỉnh các văn bản pháp luật về văn hóa, nghệ thuật, thông tin trong điều kiện của cơ chế thị trường; ban hành các chính sách khuyến khích sáng tạo văn hóa và nâng mức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân”.

(2) Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước xác định mục tiêu, nhiệm vụ: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”.

(3) Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định nhiệm vụ: “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”.

(4) Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam...”.

(5) Chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 : “Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá; (...), phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hoá; phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ…; khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh”.

Từ những kết quả đã đạt được và một số tồn tại, hạn chế về phát triển công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những bài học kinh nghiệm: (1) Phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể có liên quan. (2) Phát huy tối đa nội lực và tranh thủ ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá. Con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của phát triển văn hóa. (3) Phát huy tinh thần tự hào dân tộc, nêu cao tinh thần quyết tâm, vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, đổi mới sáng tạo. Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa lĩnh vực văn hóa với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

Các nhiệm vụ cụ thể: các bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan phải tập trung tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác.

Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan:

- Tập trung hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.

- Xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa.

- Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa (như về thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng…), nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa…) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo.

- Hỗ trợ và khuyến khích liên kết, hình thành mạng lưới các trung tâm công nghiệp văn hóa, các không gian sáng tạo trên cả nước và kết nối với quốc tế. Hỗ trợ địa phương xây dựng hồ sơ và đăng ký tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

- Tăng cường kết nối thị trường cho các sản phẩm sân khấu, âm nhạc, chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các thành phố lớn, khu vực trung tâm ở trong nước và quốc tế. Có phương án phát triển thiết kế mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp, thiết kế đồ hoạ; khuyến khích các sáng tạo đột phá khai thác giá trị văn hóa Việt Nam trong thiết kế bao bì sản phẩm, giao diện, quảng cáo và truyền thông, trang trí, thiết kế thời trang và may mặc.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu và hình thành bản đồ số về các ngành công nghiệp văn hóa. Tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số. Xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa.

- Đề xuất xây dựng kế hoạch đổi mới hoạt động đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp văn hóa.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công nghiệp văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng kỹ thuật số. Tổ chức thường niên các sự kiện ở cấp quốc gia và quốc tế để kết nối, giao lưu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa, lồng ghép trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Công bố, giới thiệu, vinh danh kịp thời các cá nhân, đơn vị và doanh nghiệp có nhiều đóng góp hiệu quả.

(2) Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có các chính sách liên quan, trong đó chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng) cho ngành công nghiệp văn hóa.

(3) Bộ Công Thương: Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa gắn với thực hiện chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa có tiềm năng xuất khẩu.

(4) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó tập trung đầu tư, khai thác, hỗ trợ phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP.

(5) Bộ Xây dựng: Tập trung đầu tư, khai thác các sáng tạo đột phá trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, xây dựng và thiết kế nội thất, đặc biệt đối với quy hoạch đô thị.

(6) Bộ Khoa học và Công nghệ: Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tăng cường bảo vệ tài sản sáng tạo trong các ngành công nghiệp văn hoá. Xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các chủ thể sáng tạo.

(7) Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nghiên cứu xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục và bổ sung nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đối với lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Ưu tiên chỉ tiêu bồi dưỡng, đào tạo tại các cơ sở đào tạo giảng viên cho các ngành công nghiệp văn hóa.

(8) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Kết nối chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo và tổ chức sử dụng lao động; nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ kịp thời (khi cần thiết) cho các doanh nghiệp, người lao động trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa gặp khó khăn.

(9) Bộ Thông tin và Truyền thông:

- Tập trung đầu tư, khai thác, hỗ trợ phát triển ngành phần mềm và các trò chơi giải trí; đưa các giá trị văn hoá truyền thống, nghệ thuật, lịch sử Việt Nam vào phần mềm ứng dụng tương tác. Chuyển dịch từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang sản xuất phần mềm thương hiệu Việt, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ thị trường trong nước sang thị trường quốc tế.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành hệ thống thông tin dữ liệu và phát triển hệ sinh thái trực tuyến cho các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

(10) UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Căn cứ tình hình thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo và người thực hành sáng tạo trên địa bàn; lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững

- Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong phát triển, khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng của địa phương, gắn các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa với du lịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm.

- Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá văn hóa, công nghiệp văn hóa.

* Đối với các hiệp hội: Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Trong đó, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động, làm giàu chính đáng, tuân thủ đúng pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Kịp thời phát hiện, tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

* Đối với cộng đồng các doanh nghiệp: Phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác cùng phát triển. Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nói không với tiêu cực. Đề cao ý thức, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng; tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

* Đối với các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo: Tiếp tục phát huy tâm huyết của mình trong việc nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm, sản phẩm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan luôn đồng hành ủng hộ, tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà hoạt động văn hóa với đam mê sáng tạo không có giới hạn.

Thủ tướng cho rằng một Hội nghị không thể giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra, nhưng tin tưởng rằng sau Hội nghị này, chúng ta sẽ vững tin hơn, có khí thế mới, động lực mới để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 22/12/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT