Hành trang lữ khách

Phố mì Quảng trên quốc lộ 14B

Cập nhật: 04/05/2020 09:39:54
Số lần đọc: 896
Khách đi trên quốc lộ 14B (mới) đoạn qua xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, sẽ thấy một dãy quán sá sầm uất dọc hai bên đường, nơi hai đầu dãy quán có tấm bảng ghi “Tuyến đường ẩm thực Mì Quảng Hòa Nhơn”.

Hệ thống sấy tận dụng nhiệt trong sản xuất bánh tráng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng hỗ trợ lò mì và bánh tráng Bà Tỉnh. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

Quốc lộ 14B cũ đoạn qua huyện Hòa Vang như một vòng cung chạy từ thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn, đến Trung tâm Hành chính huyện, mới đây vòng cung này được đặt tên là đường Quảng Xương - đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa với huyện Hòa Vang. Từ năm 2005, quốc lộ 14B mới được xây dựng, nối thẳng băng hai điểm này và tạo nên một tuyến đường ẩm thực sầm uất mang màu sắc phố thị với món mì Quảng nổi tiếng.

“Lý lịch” một làng nghề

Trên đường Quảng Xương, gần trụ sở xã Hòa Nhơn hiện nay, có một con dốc, xưa gọi là dốc Thổ Kỳ, chạy thẳng xuống cầu Bà Hủ, qua cầu Túy Loan (cũ) rồi đến chợ Túy Loan (cũ). Gần cầu Bà Hủ xưa có một bến xe. Ông Phạm Cảnh, Trưởng thôn Phú Hòa 2, giải thích rằng, dù bến xe nằm trên phần đất của Phú Hòa nhưng dân gian vẫn quen gọi bến xe Túy Loan (một thôn của xã Hòa Phong ngày nay), “ăn theo” tên gọi chợ Túy Loan “trăm thứ trăm ngon” quá nổi tiếng cách đó không xa.

Ở nơi tập trung các loại xe cộ đi xuống Đà Nẵng hay ngược lên Đại Lộc, năm 1957, một người phụ nữ nhà gần đó cho ra đời một quán nhỏ chuyên bán mì Quảng, góp thêm “món ngon” vào chợ Túy Loan. Bà tên khai sinh là Tán Thị Út nhưng mọi người gọi bà Tỉnh theo tên chồng là Nguyễn Tỉnh. Ông Nguyễn Đại Minh, một trong những người con hiện nối nghiệp mẹ mình, kể rằng quán mở cửa được một năm thì năm sau ông sinh ra đời.

Nhờ nằm ở vị trí “đắc địa” nên tiếng tăm của quán “mì Quảng Bà Tỉnh” theo chân khách vãng lai tỏa đi khắp nơi. Trước năm 1975, binh lính chế độ Sài Gòn học ở Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm (nay là Trường Quân sự Quân khu 5) thường ghé quán, khi quay về các đơn vị đóng quân cũng đã góp phần đưa “thương hiệu” món ăn này đi xa.

20 năm trước, người viết từng gặp bà Tỉnh và giới thiệu lên mặt báo sản phẩm ẩm thực nức tiếng một vùng do bà khởi xướng. Lúc đó, bến xe đã thành khu dân cư, cây cầu Túy Loan cũ xe 4 bánh có thể chạy qua đã hỏng, được thay bằng cầu mới bằng bê-tông rộng chưa đến 2m. Thế nhưng, bà vẫn cặm cụi tráng mì, tráng bánh, ngày ngày bán tại nhà và cung cấp cho chợ Túy Loan. Sau khi bà mất năm 2003, các con kế tục nghề truyền thống gia đình, giờ giao cho 3 người cháu nội.

Năm 1989, vợ chồng ông Minh lên đường 14B (cũ) mua đất làm nhà và mở quán lấy tên “Mì Quảng Bà Tỉnh” cho đến nay. Theo “bài bản” mẹ truyền lại, ông cho biết, để có con mì ngon dẻo, phải chọn cho được gạo 13/2 (mười ba xiệc hai) sản xuất từ vùng đất cát không phèn xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Còn bánh tráng thì cũng có đủ 5 thứ gia vị gồm mắm, muối, đường, tỏi và mè; vấn đề là phải biết gia giảm pha chế theo một tỷ lệ nào đó để có hương vị độc đáo chẳng nơi nào sánh được.
Từ một quán nhỏ bên bến xe hơn 60 năm trước, món “mì Quảng Bà Tỉnh” giờ đã phát triển thành làng nghề mì Quảng, bánh tráng nổi tiếng trên đất Hòa Vang. Khách ghé qua, nâng tô mì Quảng bốc khói, kèm trái ớt xanh cùng với bánh tráng vàng rụm là cảm thấy mênh mang hương vị độc đáo quê nhà.

Tuyến đường ẩm thực mang màu sắc phố thị

Một thời, suốt đoạn đường từ dốc Thổ Kỳ đến cầu Giăng có ngót chục quán “Mì Quảng Túy Loan” dù tất cả nằm trên đất Phú Hòa, xã Hòa Nhơn. Người dân Phú Hòa cảm thấy vẫn chưa “sướng”, bởi sản phẩm do chính mình làm ra mà cứ nhằm tên nơi khác mà gọi!

UBND xã Hòa Nhơn đã có ý “lấy lại tên cho em” khi xây dựng “Kế hoạch triển khai xây dựng khu ẩm thực Mì Quảng xã Hòa Nhơn” vào cuối tháng 6-2018. Theo đó, việc hình thành khu ẩm thực trên đoạn đường 14B (mới) dài gần 1km sẽ liên kết tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn xã từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ như: nấm, gà, kiệu hương, rau, củ, quả… Quan trọng hơn, sẽ hướng đến xây dựng thương hiệu Mì Quảng Túy Loan xã Hòa Nhơn và đề xuất công nhận thương hiệu Mì Quảng Túy Loan Hòa Nhơn. 

Vậy là, do địa danh Túy Loan giờ đã thành “người khổng lồ” trong lĩnh vực ẩm thực ở Hòa Vang nói riêng, Đà Nẵng nói chung, nên chính quyền xã Hòa Nhơn chọn một sự dung hòa cũ và mới khi đặt tên cho sản phẩm có từ lâu đời trên địa bàn xã mình.

Trên tuyến đường ẩm thực này, ông Trần Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn nhẩm tính ban đầu có 7 quán (Thủy Chung 1, Thủy Chung 2 , Bà Tỉnh 3, Vy, Ngà, Phúc, Loan) nay đã tăng lên 11 quán. Tất cả đều cam kết chế biến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm lẫn cung cách phục vụ lịch sự. Quán nào cũng ghi rõ ràng các nguyên liệu tạo ra tô mì được các cơ sở tại xã Hòa Nhơn cung cấp: Mì từ các lò mì thôn Phú Hòa; rau từ các vùng rau an toàn Thạch Nham Tây, Ninh An, Phước Hưng Nam; gà từ HTX Gà Nhơn Phát. Cùng với đó là số điện thoại đường dây nóng của xã và lãnh đạo UBND xã để khách có thể trực tiếp phản ánh nếu phàn nàn về thực phẩm lẫn thái độ phục vụ.

Thương hiệu Mì Quảng Túy Loan, Mì Quảng Hòa Nhơn và các sản phẩm liên quan đến mì khá nổi tiếng với người dân trong vùng và thành phố. Để tiếp tục khẳng định giá trị của thương hiệu này, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hòa Vang cho biết, trong thời gian qua, huyện tập trung thực hiện tuyên truyền định hướng nhằm nâng cao giá trị và bảo đảm chất lượng, thực hiện hướng dẫn an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng đã hỗ trợ hệ thống sấy tận dụng nhiệt trong sản xuất bánh tráng trị giá 150 triệu đồng cho cơ sở sản xuất mì Quảng, bánh tráng Bà Tỉnh nhằm nâng cao năng suất cũng như chủ động nguồn sản phẩm, không phụ thuộc vào thời tiết.

“Tuyến đường ẩm thực Mì Quảng Hòa Nhơn” hình thành chưa đầy 2 năm, còn khá “trẻ” đối với lĩnh vực kinh doanh ẩm thực. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Thu, qua thông tin tương tác khả quan trên website của xã, tin tưởng rằng mô hình này sẽ không chỉ đem lại cho nơi đây một tuyến đường ẩm thực mang màu sắc phố thị mà còn góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho một bộ phận người dân Hòa Nhơn. Bởi lẽ, mì Quảng không chỉ là món ăn mà hơn thế, là văn hóa dân tộc, văn hóa bản địa, là hương quê.../.

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Cùng chuyên mục