Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu: Giờ là lúc du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới
Toàn cảnh tọa đàm
Khôi phục đường bay quốc tế góp phần quan trọng phục hồi hoạt động du lịch
Theo ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, hàng không và du lịch là 2 ngành bị ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch Covid-19. Hoạt động của các doanh nghiệp hàng không đã bị ảnh hưởng trên cả mạng bay nội địa và quốc tế.
Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam
Với quyết định khôi phục các đường bay quốc tế từ 15/2, mở cửa toàn bộ du lịch từ 15/3, ông Nề khẳng định điều này đã tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hoá hoàn toàn các hoạt động của mình, tránh chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới có đường bay đi đến Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh, trong những năm qua, hai ngành Hàng không và Du lịch đã luôn gắn bó, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của nhau. Khi dịch bệnh xảy ra, ngành du lịch, hàng không đã bị ảnh hưởng nặng nề. Hai ngành đã có sự thích ứng an toàn linh hoạt nhằm nỗ lực phục hồi hoạt động. Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, ngành du lịch đã có từng bước phục hồi, điều này thể hiện rất rõ vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, hoạt động du lịch khởi sắc, các điểm đến trên toàn quốc đã đón và phục vụ 6,1 triệu lượt khách du lịch.
Mục tiêu năm 2022, ngành du lịch đón 5-6 triệu lượt khách quốc tế và hơn 60 triệu lượt khách nội địa. Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, chúng ta có thể tự tin về sự phục hồi hoạt động khi độ phủ vắc-xin rộng, có kinh nghiệm xử lý các tình huống sự cố, đồng thời có sự kết hợp hài hòa giữa hàng không và du lịch. “Giờ là lúc du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có sức cạnh tranh trên trường quốc tế”, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Khôi phục mở cửa, rộng mở kết nối với nhiều thị trường quốc tế
Về vấn đề kết nối đường bay với các thị trường quốc tế, ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không - Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Việt Nam đã có những bước đi căn cơ và bài bản, từ trong năm 2021, Việt Nam đã đặt vấn đề mở cửa các đường bay với các quốc gia theo lộ trình. Tính tới thời điểm hiện tại, hàng không Việt Nam mở lại bay quốc tế đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không - Cục Hàng không Việt Nam
Ông Đăng khẳng định hoạt động hàng không, du lịch đang từng bước được khôi phục. “Chúng tôi đánh giá 2022 việc khôi phục lại hàng không, du lịch hoàn toàn không phải cơ hội nữa mà là hiện hữu”, ông Đăng nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hiện nay, Chính phủ đang muốn thông qua hai lĩnh vực du lịch và hàng không để tuyên bố với thế giới về việc Việt Nam đã an toàn và dần phục hồi, đồng thời cũng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam có sức chống chịu tốt. Do đó, hai ngành hàng không và du lịch phải luôn trong tâm thế sẵn sàng để đảm bảo sự kết nối, đồng thời chứng minh sự an toàn của Việt Nam.
Hiện nay, đóng góp của ngành hàng không và du lịch rất lớn, nên phải mở cửa sớm để khai thông, tạo động lực phát triển. Sau hai năm đứt gãy, việc khôi phục hàng không, du lịch sẽ tạo hứng khởi mới cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Về việc mở các đường bay quốc tế, ông Nguyễn Ngọc Trọng - Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, từ ngày 15/2, Bamboo Airways đã bay trở lại các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, và sắp tới là Vương quốc Anh, Australia, Mỹ. Trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch, Bamboo Airways đã tối ưu hoá đội bay 3 tầm (xa, trung, gần), phù hợp với nhiều thị trường khác nhau.
Toàn cảnh tọa đàm
Các đại biểu cũng vui mừng khi thấy theo dữ liệu phân tích từ Google, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không và du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang gia tăng rất nhanh so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu rất đáng khích lệ cho sự phục hồi du lịch và hàng không trong thời gian tới.
Xu hướng du lịch mới hậu Covid-19
Chia sẻ về các xu hướng thị trường, ông Vũ Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch cho biết, sau dịch bệnh các sản phẩm du lịch xanh, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch chữa bệnh đang là xu hướng tại nhiều quốc gia. Khách du lịch cũng có xu hướng lựa chọn những chuyến đi ngắn ngày nhiều hơn, tăng cường sử dụng công nghệ, đặt dịch vụ trực tuyến...
Ông Vũ Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công nghệ, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng chưa bao giờ sức mạnh của công nghệ được ứng dụng nhiều như hiện nay. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động và sản phẩm để bắt kịp xu thế phát triển.
Bên cạnh đó, theo ông, các doanh nghiệp cũng cần thiết kế “lịch trình gọn gàng nhưng trải nghiệm sâu nhằm để lại ấn tượng tốt cho du khách sẵn sàng trở lại lần sau”.
Kết lại buổi tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp. Các thông tin đều hướng tới kiến nghị chính sách, giải pháp, hành động để tháo gỡ khó khăn, tăng cường phối hợp giữa du lịch và hàng không cùng phục hồi, phát triển.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu
Phó Tổng cục trưởng cũng đánh giá cao sự tích cực của các doanh nghiệp trong việc mở cửa, kết nối các đường bay quốc tế, thị trường du lịch, sự đồng hành của các cơ quan truyền thông đã truyền tải thông điệp nỗ lực phục hồi của ngành du lịch và hàng không.
Trong khuôn khổ tọa đàm đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa các hệ sinh thái của tập đoàn FLC và TD&T nhằm mở rộng kết nối đưa khách Hàn Quốc đến Việt Nam nói chung và Quy Nhơn nói riêng, trải nghiệm những sản phẩm của FLC.
Lễ ký kết hợp tác giữa các hệ sinh thái của tập đoàn FLC và TD&T
Trung tâm Thông tin du lịch