Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung đánh giá cao về sự quyết liệt tìm hướng tự cứu trước dịch COVID-19 của du lịch Đà Nẵng
Toàn cảnh buổi làm việc
Báo cáo từ Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trước thời điểm xảy ra dịch trong tháng 1/2020 hoạt động du lịch diễn ra bình thường, có tổng cộng 37 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng với tần suất 536 chuyến/tuần. Tổng lượt khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 645.292 lượt, tăng 22,1% so với cùng kỳ 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 359.054 lượt, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019, khách nội địa ước đạt 286.238 lượt, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính đến 14/02/2020, dịch bệnh COVID -19 đã gây ảnh hưởng rất lớn cho ngành du lịch Đà Nẵng. Qua thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại của các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển ước tính khoảng gần 700 tỷ đồng. Do đó, dự kiến trong quý 1/2020 lượng khách đến Đà Nẵng ước đạt 997.802 lượt, giảm 44,2% so với cùng kỳ 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 541.310 lượt giảm 37,2%, khách nội địa ước đạt 456.492 lượt, giảm 50,8%. Tổng thu du lịch ước đạt 3.982 tỷ đồng, giảm 35,7% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, lượng khách giảm mạnh nằm trong tháng 2-3/2020, cụ thể: lượt khách tháng 02/2020 giảm khoảng 60% và tháng 3 giảm khoảng 80% so với cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh du lịch tại các thị trường khách trọng điểm của thành phố chịu tác động đáng kể. Ngoài thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều thị trường trọng điểm khác cũng có dấu hiệu sụt giảm mạnh như Nhật Bản, Thái Lan…; Nhiều doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng khách cũ hủy đoàn, hủy booking. Các thông tin không chính thống trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng hình ảnh điểm đến; Các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cắt giảm hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm thiểu tối đa chi phí.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, Sở Du lịch Đà Nẵng đã ban hành ngay các văn bản triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, kịp thời thông tin tình hình dịch bệnh đến các doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách đã nhập cảnh, tạm dừng tổ chức việc khai thác các tour du lịch đưa khách đi và khai thác du khách đến từ các vùng có dịch.
Các định hướng, giải pháp và kế hoạch kích cầu du lịch
Về các giải pháp nhằm phục hồi thị trường du lịch trong thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho hay Sở đã phối hợp với cơ quan chức năng cung cấp kịp thời những thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, thực hiện truyền thông qua kênh báo chí, mạng xã hội để có một hình ảnh điểm đến an toàn, đặc biệt là xây dựng các bài viết, phóng sự tuyên truyền về hình ảnh điểm đến Đà Nẵng với thông điệp “Đà Nẵng – Điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách” đến các thị trường khách.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh- GĐ Sở Du lịch Đà Nẵng phát biểu
Về các chương trình kích cầu, bà Hạnh nhấn mạnh Sở Du lịch mong muốn chương trình không chỉ là giảm giá dịch vụ mà là nơi giới thiệu sản phẩm mới, dịch vụ mới và giảm giá là yếu tố cuối cùng.
Chương trình này sẽ thu hút sự tham gia của hãng hàng không, những khu, điểm lớn tại thành phố, công ty lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch. Dự kiến, vào tháng 3, Đà Nẵng sẽ là địa phương đầu tiên thực hiện theo mô hình quỹ xã hội do doanh nghiệp tự thành lập để tham gia vào các hoạt động xúc tiến mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, Sở cũng lấy ý kiến khách hàng về thời điểm miễn phí vé tham quan tại các khu điểm Đà Nẵng, vận động điểm du lịch với giá vé du khách và giá vé của người dân tại địa phương là như nhau trong thời điểm nhất định, các khách sạn lớn nếu có chính sách giảm ‘sâu’ thì sẽ có những chương trình tour hiệu quả, chương trình đặc sắc để thu hút du lịch.
Ngoài ra, Sở Du lịch TP Đà Nẵng nghiên cứu việc xây dựng phát triển kinh tế đêm trên địa bàn với việc chọn một số điểm đến có khả năng khai thác về kinh tế đêm trong thời điểm nhất định. Một số khu vực sẽ được chọn cho việc phát triển lâu dài về kinh tế đêm đảm bảo cho việc phát triển nhưng không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Phát biểu tại buổi họp, đại diện các Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp du lịch đều mong muốn kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành chức năng liên quan xem xét chủ trương cho phép giảm 50% mức thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch năm 2020; cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế VAT quý IV/2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 sang quý III hoặc quý IV/2020
Đại diện Hội Khách sạn cho biết bên cạnh công tác đảm bảo an toàn cho khách đây là thời điểm thích hợp để các cơ lưu trú trên địa bàn phục vụ khách nội địa một cách tốt nhất. Chất lượng dịch vụ tuyệt vời, nhưng giá cả thì rất ưu đãi. Mọi người Việt Nam đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ lưu trú 3, 4 hoặc 5 sao. Và đó cũng là cách kích thích người Việt Nam đi du lịch nhiều hơn, khẳng định Việt Nam vẫn an toàn. Điều này sẽ tác động đến truyền thông và nhận thức thực sự về tính an toàn của những điểm đến.
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch nhấn mạnh đến tin vui Hoa Kỳ đã chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “Các nước có biểu hiện virus lây lan trong cộng đồng”. Ngành Du lịch Đà Nẵng cũng cần tranh thủ cơ hội này, tăng cường truyền thông, quảng bá trực tuyến về hình ảnh một Đà Nẵng an toàn trong bối cảnh một Việt Nam an toàn.
PTCT Ngô Hoài Chung phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung đánh giá cao sự ứng phó chủ động, kịp thời của địa phương trong việc hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho khách trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Ông cũng hoan nghênh du lịch Đà Nẵng quyết liệt tìm hướng tự cứu trước dịch COVID-19. Đề nghị địa phương và các doanh nghiệp tiếp tục đoàn kết tích cực hưởng ứng các chương trình, hoạt động của Tổng cục Du lịch để mau chóng khôi phục thị trường.
Trên cơ sở đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng khẳng định: Tổng cục Du lich luôn đồng hành với các địa phương và doanh nghiệp du lịch, nên đã lắng nghe và cũng đang hoàn thiện báo cáo trình Bộ VHTTDL, trình Chính phủ nhiều chính sách liên quan giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong đó, Tổng cục đã đưa vào đề nghị các nội dung xem xét miễn, giảm hoặc giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, cho chậm trả lãi vay; cho chậm đóng bảo hiểm xã hội; giảm tiền thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất, tiền điện.
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, đoàn công tác đã đi thực tế và làm việc với lãnh đạo Khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn; Vinpearl Luxury Đà Nẵng và đơn vị kinh doanh vận chuyển.
Đoàn công tác giao lưu với du khách tại Khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn sáng ngày 28/02/2020
Đoàn làm việc tại BQL Khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn
Tại Khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban quản lý cho hay, để đảm bảo tuyệt đối phương châm “ Ngũ Hành Sơn vẫn luôn là điểm đến an toàn cho mọi du khách” BQL đã chủ động trong công tác bảo vệ sức khỏe của cán bộ, nhân viên cũng như du khách khi đến với danh thắng Ngũ Hành Sơn. Bên cạnh đó, các khu vực khách thường xuyên sử dụng, lui tới như khu vực thang máy, công trình vệ sinh, các trạm bán vé, các hang động trên ngọn Thủy Sơn… cũng được đảm bảo sạch sẽ ở mức tối đa, tất cả tạo nên một môi trường an toàn nhất để du khách yên tâm cho chuyến vui chơi của mình.
Làm việc với lãnh đạo Vinpearl Luxury Đà Nẵng
Tại Vinpearl Luxury Đà Nẵng, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung đánh giá cao những sản phẩm mới, độc đáo, sang tạo như nước uống Anti-corana tăng cường sức đề kháng chống virus..
Làm việc tại đơn vị kinh doanh vận chuyển khách du lịch tại Đà Nẵng
Cập nhật đến thời điểm chiều ngày 28/2 Đà Nẵng đã có 131 mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với chủng mới của virus Corona, chưa có trường hợp nào dương tính. Hiện tại giám sát tại cộng đồng còn 16 trường hợp, tất cả sức khỏe đều bình thường. Đang theo dõi tại các khu cách ly tập trung có 435 trường hợp. |
Trung tâm Thông tin du lịch