Quảng Bình: Khai thác lễ hội truyền thống để phát triển du lịch
Những lễ hội "hút khách"
Cùng với nhiều danh lam, thắng cảnh “trời ban”, huyện Quảng Trạch còn là vùng đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa và lễ hội truyền thống đặc sắc. Hiện, trên địa bàn huyện có 14 di tích lịch sử văn hóa, 3 điểm kiểm kê danh mục danh lam thắng cảnh, 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 7 câu lạc bộ (CLB) đang thực hành trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Bà Trần Thị Vân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Trạch cho biết, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng. Trong đó, việc phục hồi và nâng cấp các lễ hội văn hóa-thể thao truyền thống trên địa bàn, bên cạnh ý nghĩa về bảo tồn di sản, quảng bá văn hóa, các sự kiện lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch ấn tượng, thu hút du khách.
Lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một lễ hội truyền thống của người dân xã Quảng Đông đã có từ bao đời nay. Lễ hội diễn ra từ ngày 1-3/3 âm lịch hàng năm gắn với nhiều nghi thức tâm linh. Từ năm 2024, huyện Quảng Trạch quyết định nâng tầm lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ cấp xã lên cấp huyện và đổi tên thành lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu”.
Lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu” được huyện Quảng Trạch nâng cấp từ lễ hội cấp xã lên cấp huyện.
Với việc nâng cấp này, ngoài các nghi thức tâm linh như trước đây, lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu” đã được huyện Quảng Trạch tổ chức bài bản, kết hợp hài hòa giữa phần lễ và phần hội. Người dân và du khách đến tham gia lễ hội, không chỉ dâng hương để xin tài lộc, cầu sức khỏe, bình an mà còn được tham gia các trò chơi dân gian, giao lưu nghệ thuật dân gian với các CLB thực hành trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Ngoài ra, du khách còn được tham quan, mua sắm các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Cùng với việc nâng cấp lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu”, nhiều hoạt động lễ hội văn hóa-thể thao truyền thống khác, như: Lễ hội đua thuyền truyền thống ở xã Cảnh Dương, lễ hội cầu yên ở thôn Pháp Kệ và thôn Đông Dương (xã Quảng Phương)… cũng được huyện quan tâm, hỗ trợ nhằm duy trì tổ chức định kỳ hàng năm, thu hút sự chú ý của đông đảo du khách.
Du khách đến với các lễ hội văn hóa-thể thao truyền thống này, không chỉ được hòa mình vào sự náo nhiệt của các hoạt động thể thao trong lễ hội (đua thuyền ở Cảnh Dương, đấu vật ở Pháp Kệ và Đông Dương) mà còn được tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa, vật chất tinh thần phong phú của người dân địa phương. Đơn cử, khi đến tham gia lễ hội cầu yên ở làng Đông Dương (được tổ chức vào dịp rằm tháng giêng), du khách sẽ được đắm chìm trong những làn điệu ca trù trầm bổng, sâu lắng, được các ca nương, kép đàn biểu diễn ngay dưới mái đình làng cổ kính hay dưới tán rừng trâm bầu hàng trăm năm tuổi…
Gắn lễ hội với phát triển du lịch bền vững
Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phan Văn Thanh cho biết: Phát triển kinh tế dịch vụ và du lịch là một trong những chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025. Với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch phía Bắc tỉnh, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả các cơ chế ưu đãi đã được tỉnh ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch, cùng với việc kêu gọi các nhà đầu tư tâm huyết, quan tâm đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, huyện Quảng Trạch tập trung phát triển du lịch văn hóa, lịch sử gắn với các lễ hội văn hóa-thể thao truyền thống. Thực tế, những năm qua, huyện đã chú trọng khai thác các lễ hội để đa dạng các sản phẩm du lịch. Một số lễ hội (đặc biệt là lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu”) đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của huyện.
Cũng theo ông Thanh, việc nâng cấp lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu” từ cấp xã lên cấp huyện là một bước đột phá quan trọng để phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, dịch vụ của địa phương trong thời gian tới. Đây là lễ hội được tổ chức quy mô, có chiến lược, mục tiêu cụ thể gắn với phát triển du lịch của huyện. Với sức hút lớn (trung bình mỗi ngày diễn ra lễ hội có hàng nghìn lượt khách), khi khách du lịch đến tham gia lễ hội sẽ kéo theo một số nhu cầu thiết yếu, như: Đi lại, lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, mua sắm, giải trí…
Đấu vật trong lễ hội cầu yên ở làng Đông Dương (xã Quảng Phương).
Tuy nhiên, hiện nay, ngoài lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu”, phần lớn các lễ hội khác trên địa bàn huyện Quảng Trạch đều là những lễ hội quy mô nhỏ, chỉ thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư quanh vùng, ở phạm vi hẹp, chưa hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ địa phương. Hay nói cách khác, nguồn “tài nguyên” vô giá từ các lễ hội văn hóa-thể thao truyền thống trên địa bàn huyện rất cần được “hợp lực” để đánh thức.
“Thời gian tới, huyện Quảng Trạch sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch đồng bộ từ khâu tổ chức đến cách thức quảng bá, trong đó lựa chọn những lễ hội đặc sắc để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, đủ sức thu hút du khách; đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân địa phương, những người trực tiếp thực hành lễ hội nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Qua đó, góp phần bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị các lễ hội gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển’, ông Thanh nhấn mạnh.
Cùng với việc nâng cấp lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu”, các dự án du lịch lớn đầu tư vào địa bàn huyện Quảng Trạch đã có những chuyển biến tích cực. Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp tại thác Tam Cấp đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (Công ty TNHH Thiên Nga Biển Quảng Bình đầu tư với diện tích khoảng 48.000m2). Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 30.000 lượt khách đến Quảng Trạch; ngành du lịch, dịch vụ đã giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động.
Phan Phương