Hoạt động của ngành

Quảng Bình: Thị trấn Phong Nha - Xứng tầm thị trấn du lịch

Cập nhật: 30/06/2023 16:03:58
Số lần đọc: 552
Thị trấn Phong Nha nằm ở phía tây bắc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nơi đây có Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Với những tiềm năng, lợi thế của địa phương, Phong Nha ngày càng đổi thay, được biết đến là một thị trấn du lịch phát triển.


Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha Trần Quý Công cho biết: “Thị trấn Phong Nha có diện tích 10.000ha, với gần 13.000 người dân, sinh sống ở 9 tổ dân phố và 1 bản đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều. Dân cư thị trấn sống tập trung dọc hai bên bờ sông Son. Trước đây, người dân đa phần có thu nhập chính dựa vào nguồn sản xuất nông nghiệp và khai thác rừng nhưng đến nay, cơ cấu ngành nghề sản xuất đã có bước chuyển dịch đáng kể khi ngành thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm hơn 40%”.
 
Được xem là trung tâm du lịch của PN-KB, những năm qua, kinh tế-xã hội trên địa bàn đã có bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao. Năm 2022, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… được địa phương quan tâm, chú trọng; các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đa phần hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch chính là bước ngoặt phát triển của thị trấn.

Một góc thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) hôm nay.

Sau 20 năm, từ ngày VQG PN-KB được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, người dân Phong Nha từ chỗ chỉ biết sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, khai thác rừng, nay đã phát triển mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với phục vụ du lịch. Các hoạt động thương mại được phát triển, duy trì, cung cầu hàng hóa ổn định, nhất là những mặt hàng thiết yếu đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất cũng như phục vụ đời sống nhân dân. Du lịch phát triển với nhiều cảnh quan đẹp, đa dạng, phong phú; các cơ sở lưu trú được đầu tư xây dựng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của du khách.
 
Phong Nha Love Homestay (tổ dân phố Cù Lạc 1, thị trấn Phong Nha) được đưa vào hoạt động từ năm 2019, với 8 phòng ngủ. Tại đây, ngoài dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống, du khách còn được đạp xe trải nghiệm, thuận tiện di chuyển để tham quan các điểm du lịch nếu có nhu cầu… Ông Trần Văn Uẩn, chủ Phong Nha Love Homestay cho hay: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu làm nông nghiệp và có cửa hàng nhỏ bán vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của địa phương còn rất nhiều với những cảnh đẹp được thiên nhiên ban tặng, Phong Nha ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, kéo theo đó là nhu cầu về các dịch vụ du lịch tăng cao, gia đình tôi quyết định chuyển hướng sang kinh doanh lĩnh vực này. Mặc dù khi mới đưa vào hoạt động, cơ sở lưu trú của tôi gặp khá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hiện nay, khi du lịch phục hồi, lượng khách đến lưu trú ổn định, giúp gia đình tôi có việc làm và thu nhập cao hơn”.
 
Được biết, hiện nay, thị trấn Phong Nha có 123 cơ sở lưu trú, với 1.134 phòng; 132 cơ sở dịch vụ ăn uống; 26 quán cà phê, giải khát; 401 thuyền và 189 nhiếp ảnh phục vụ du lịch. Nhiều tuyến, điểm du lịch đẹp thu hút du khách thập phương, như: Động Phong Nha, động Thiên Đường, vườn thực vật, suối nước Moọc… Nguồn nhân lực phục vụ du lịch của địa phương trên 4.000 người. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Phong Nha ngày càng tăng cao, năm 2022 đạt gần 420.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 79 tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2023 đón trên 161.000 lượt khách.

Việc chuyển hướng sang hoạt động dịch vụ du lịch đã góp phần cải thiện đời sống của người dân thị trấn Phong Nha (Bố Trạch). (trong ảnh: Du khách lưu trú tại Phong Nha Love Homestay).

Nhờ chuyển hướng sang phát triển thương mại, dịch vụ du lịch, đời sống người dân Phong Nha ngày càng được cải thiện với thu nhập bình quân đạt 56 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 6,67%. Phong Nha từ những ngôi làng nhỏ, nép mình bên dòng sông Son thơ mộng đã chuyển mình thành một đô thị mới khang trang, xanh-sạch-an toàn.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng cho biết, thị trấn Phong Nha được xem là trung tâm du lịch của VQG PN-KB, nơi 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Điều này đã tạo cho thị trấn những điều kiện thuận lợi mở rộng quan hệ kinh tế và giao lưu với các vùng trong huyện, tỉnh, trong nước và quốc tế. Đặc biệt, thị trấn có nhiều lợi thế thu hút các nguồn đầu tư về vốn, nguồn nhân lực cho sự phát triển một vùng du lịch hấp dẫn, là động lực quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện, của tỉnh hiện tại và trong tương lai.
 
Để phát huy được những thế mạnh đó, thị trấn Phong Nha cần tuyên truyền cho bà con địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc xây dựng văn hóa ứng xử, phục vụ du khách; thành lập một chi hội du lịch trên địa bàn thị trấn để các đơn vị, doanh nghiệp tương trợ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, làm du lịch; kết nối với các công ty lữ hành để đưa du khách đến Phong Nha. Các cơ sở lưu trú cần tuân thủ nghiêm túc các quản lý về quy hoạch nhằm hạn chế việc phát triển tự phát. Bên cạnh đó, thị trấn Phong Nha cần có sự quan tâm, đầu tư xây dựng đồng bộ về cơ sở hạ tầng (đường giao thông, chợ, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu chợ đêm…) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết thành lập thị trấn Phong Nha trên cơ sở nguyên trạng của xã Sơn Trạch (Bố Trạch) kể từ ngày 1/2/2020, khẳng định tên gọi của một vùng đất với nhiều địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch nổi tiếng; cơ cấu ngành nghề sản xuất có bước chuyển dịch đáng kể khi thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm hơn 40%.

Lê Mai

Nguồn: Báo Quảng Bình - baoquangbinh.vn - Đăng ngày 30/06/2023

Cùng chuyên mục