Hoạt động của ngành

Biến nông nghiệp thành “bệ đỡ” ở đô thị Long Xuyên - An Giang

Cập nhật: 30/06/2023 15:21:20
Số lần đọc: 603
TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) là đô thị loại I, là đầu mối giao thương quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh. Trong đó, nông nghiệp và du lịch (DL) là 2 mũi nhọn của nền kinh tế. Địa phương mong muốn nền nông nghiệp phát triển theo hướng đô thị, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị... đáp ứng nhu cầu hội nhập trong tình hình mới.


Nông nghiệp đặc thù đô thị

Chỉ 11,5% dân số thành phố (8.494 hộ) sinh sống bằng nghề nông. Trong đó, hơn 4.000 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt, thực hiện các phong trào do Hội Nông dân thành phố phát động; xây dựng 8 chi hội và 59 tổ hội nghề nghiệp (768 thành viên). Ngoài ra, địa phương có 5 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 130 tổ hợp tác (THT) sản xuất đang hoạt động, đóng vai trò khá quan trọng trong sản xuất, đời sống của nông dân.

“Mọi người giúp nhau vay vốn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; tận dụng nguồn lực, nguyên liệu, vốn, lao động, tạo tiền đề cho cách làm ăn mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nông dân, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Điển hình như: THT sản xuất lúa Nhật tại phường Mỹ Thới, Mỹ Hòa và Bình Khánh; THT nuôi lươn tại phường Mỹ Thới, Mỹ Quý và Mỹ Hòa; THT trồng rau màu an toàn, ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hòa Hưng, Mỹ Khánh và phường Mỹ Thạnh; Tổ DL nông nghiệp xã Mỹ Hòa Hưng” - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Long Xuyên Trần Phước Bạo thông tin.

Vườn cây trái ở xã Mỹ Hòa Hưng

Nhà màng là công nghệ được áp dụng rộng rãi trên thế giới từ lâu. Chúng mang lại tiện ích rất lớn trong giai đoạn nguồn nhân công ngày càng khan hiếm, khí hậu diễn biến thất thường. “Áp dụng kỹ thuật này vào trồng dưa lưới, tôi đầu tư cố định gần 400 triệu đồng cho 1.000m2 đất canh tác (bao gồm nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, cáp treo…); thêm gần 50 triệu đồng cho chi phí sản xuất 1 vụ (3 tháng).

Sau đó, tôi thu về doanh thu 90 triệu đồng (lợi nhuận trên 40 triệu đồng) mỗi vụ, nhân lên cả năm thành 120 triệu đồng. Chỉ 3 năm, tôi thu hồi vốn, sống khỏe với mô hình, dưa lưới thì được thị trường ưa chuộng bởi chất lượng thơm ngon đặc trưng” - nông dân Nguyễn Thị Mai Khương (phường Mỹ Hòa) chia sẻ.

Cũng ứng dụng công nghệ cao, nhưng ông Nguyễn Trường Giang (xã Mỹ Khánh) lại chọn áp dụng vào phát triển DL sinh thái. Ông kể: “Gia đình tôi có 3.500m2 đất trồng lúa. Điều kiện kinh tế lúc ấy khó khăn vô cùng, chúng tôi chỉ biết trông chờ vào việc thu hoạch lúa 2 vụ/năm. Trong khi đó, thổ nhưỡng của vùng đất này nhiễm phèn nặng, năng suất lúa thấp, giá thành không ổn định. Tôi bàn với gia đình chuyển sang trồng cây ăn trái (chôm chôm, xoài cát Hòa Lộc) kết hợp DL sinh thái”.

Lúc đầu, ông lắp đặt hệ thống tưới phun kết hợp điều khiển tự động, kinh phí 200 triệu đồng. Cây phát triển, ông nghĩ thêm việc kết hợp với DL sinh thái cộng đồng. Nghĩ là làm, ông mở rộng mô hình trên 10ha đất, phục vụ nhiều trò chơi dân gian: Ao tắm, trượt ván trên nước, xe đạp qua cầu khỉ, bắt cá trong ao… thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày.

Tiếp tục tìm chất riêng

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Võ Chí Hùng ấn tượng với những thành tích trên “mặt trận nông nghiệp, nông dân, nông thôn” của TP. Long Xuyên. Tuy nhiên, nền nông nghiệp đô thị này đang phải đối mặt với thách thức to lớn: Cơ bản vẫn là sản xuất nhỏ; năng suất, chất lượng hàng hóa thấp; sức cạnh tranh và thương hiệu chưa đáng kể. Dù có bước tiến quan trọng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu ngày càng cao của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa.

Du lịch sinh thái tại xã Mỹ Khánh

Nông dân thành phố vừa biết làm chủ trong sản xuất nông nghiệp, vừa am hiểu nhiều lĩnh vực khác để mạnh dạn chuyển đổi lao động, chuyển đổi sản xuất nếu thấy nó mang lại hiệu quả cao hơn. “Rồi đây, hàng hóa của nông dân thành phố sẽ đến với thị trường các nước, có nhiều sản phẩm độc đáo được mọi người ưa chuộng. Thật ra, thương hiệu sản phẩm không chỉ đơn thuần ở khía cạnh kinh tế, mà tầm vóc của nó lớn hơn rất nhiều. Đó là tâm hồn, tính cách, là uy tín của mỗi địa phương. Điều kiện đặc thù cho thấy, ngoài lúa gạo thì lợi thế lớn của địa phương là phát triển DL, cây ăn trái và rau màu. Có thể nói, “từ con sông nhỏ đang dần tiến ra biển lớn”, thành phố phải khẩn trương xây dựng thế hệ nông dân thích ứng nhanh với điều kiện làm ăn mới” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Võ Chí Hùng gợi mở.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Long Xuyên Võ Thiện Hảo, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân phải được đặt lên hàng đầu. Phải làm cho cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của giai cấp nông dân và hội nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát động mạnh mẽ, nâng cao chất lượng phong trào thi đua (trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao…) với nội dung cụ thể, bám sát nhiệm vụ phát triển KTXH địa phương. Nông dân cần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và giá trị cao vào sản xuất, tham gia chuỗi sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững.

An Khang

Nguồn: Báo An Giang - baoangiang.com.vn - Đăng ngày 30/06/2023

Cùng chuyên mục