Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) bảo tồn, phát huy giá trị di tích
Tại nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Nhiều công trình được trùng tu
Quá trình hình thành và phát triển, huyện Quảng Điền đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khá phong phú, đa dạng. Trên địa bàn huyện hiện có 10 di tích đã được xếp hạng (3 di tích cấp Quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh) và 17 công trình, địa điểm lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu nằm trong danh mục bảo vệ được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 26/4/2019.
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Điền, ông Trần Công Trực thông tin, từ ngân sách và các nguồn xã hội hóa, thời gian qua huyện Quảng Điền tiến hành chỉnh trang, trùng tu, tôn tạo, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, như lăng mộ Đặng Hữu Phổ; nhà bia di tích địa điểm hội nghị Nam Dương; xây dựng tuyến đường vào di tích hội nghị Nam Dương (xã Quảng Vinh); đường vào di tích kiến trúc nghệ thuật đình làng Thủ Lễ; tu bổ, tôn tạo miếu Đặng Hữu Phổ, di tích lịch sử văn hóa chùa Thành Trung...
Lăng mộ Đặng Hữu Phổ đã được trùng tu, tôn tạo
Việc khoanh vùng, cắm mốc các khu vực bảo vệ di tích đến nay cơ bản hoàn chỉnh. Các di tích trên địa bàn huyện không bị vi phạm, xâm hại, lấn chiếm. Cơ quan chức năng kịp thời xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tranh chấp di tích tại các địa phương. Các ban quản lý di tích tại địa phương đều có thành phần cộng đồng dân cư tham gia.
Sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định phân cấp quản lý di tích, công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn huyện Quảng Điền diễn ra thuận lợi hơn. Việc phân cấp này góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và cá nhân trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trước những tác động xấu của môi trường, thiên tai, xã hội.
Tồn tại cần khắc phục
Ông Trần Công Trực cho rằng, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn huyện Quảng Điền cũng gặp những khó khăn nhất định. Mức độ đầu tư bảo tồn và phát huy các di tích chưa thật sự tương xứng với giá trị, tầm vóc của di sản. Nguyên nhân do địa bàn vùng thấp trũng, điều kiện khí hậu, thiên nhiên khắc nghiệt, hậu quả của chiến tranh khiến các di tích nhanh xuống cấp, hư hại. Việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào các ban quản lý, chưa quan tâm cộng đồng địa phương.
Nguồn kinh phí đầu tư từ chương trình mục tiêu Quốc gia và của tỉnh, huyện cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích còn hạn chế. Quảng Điền là địa phương khó khăn trong cân đối ngân sách, kinh phí xã hội hóa chưa nhiều; trong khi nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ có hạn nên một số di tích hư hỏng, xuống cấp chưa được trùng tu, tôn tạo.
Nhân dân có nguyện vọng xếp hạng một số di tích cũng như bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị nhằm gìn giữ vốn di sản vô giá mà các bậc tiền nhân dày công xây dựng; đồng thời giáo dục các thế hệ mai sau luôn tự hào và không quên về quá khứ hào hùng. Nhưng vì những lý do khách quan, chủ quan mà một số đơn vị ngại lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích. Một số di tích còn hạn chế về diện tích, nằm xen kẽ trong khu dân cư nên việc quản lý gặp khó khăn nhất định. Một số công trình nhà ở của dân nằm trong khu vực di tích (xây dựng trước khi di tích được công nhận) chưa được bố trí tái định cư.
Đến nay, di tích lịch sử khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn chưa có giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất; di tích miếu Đặng Hữu Phổ đang quá trình xúc tiến hồ sơ điều chỉnh tăng thêm diện tích do Nhân dân tự nguyện hiến đất mở rộng khu di tích. Việc quản lý, bảo vệ di tích tại một số địa phương chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng mất cắp cổ vật, di vật...
Ông Trực khẳng định, những hạn chế, trở ngại trên sẽ được huyện giải quyết trong thời gian đến. Các ban, ngành phối hợp xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị quần thể các di tích; lồng ghép công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã, thị trấn theo hướng bền vững, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Bài, ảnh: Hoàng Triều