Quảng Nam: Đánh thức rừng dừa nước Tịch Tây
Hoang sơ rừng dừa nước Tịch Tây. Ảnh: V.L
Hoang sơ...
Từ đầu tháng 7 đến nay, ông Nguyễn Tấn Hiền - Trưởng thôn Tịch Tây đã tổ chức được vài “tour” chèo thuyền chở khách tham quan rừng dừa. Gọi là “tour” cho chuyên nghiệp chứ thật ra hầu hết khách sinh sống trong huyện hoặc người địa phương xa quê đến thuê ông chở đi rừng dừa check-in, ăn uống. Bình quân mỗi tour kéo dài vài tiếng đồng hồ, chi phí thuê ghe dao động từ 200 – 500 nghìn đồng.
Từ nhà văn hóa thôn, khách xuống thuyền theo dòng sông Đình bắt đầu hành trình khám phá khung cảnh thiên nhiên vùng sinh thái. Mùa này, dọc bờ sông xen lẫn những vạt dừa xanh tốt, vô vàn hoa sen nở hồng rực rỡ. Càng ấn tượng hơn khi hoàng hôn buông xuống, từng đàn chim cò bay về đậu kín trên những bẹ, tán lá dừa.
“Tịch Tây còn rất hoang sơ, đặc biệt hệ sinh thái động thực vật phong phú, nếu so với rừng dừa nước Cẩm Thanh thì không hề thua kém, thậm chí có chỗ hấp dẫn hơn nhưng hầu như ít khách du lịch biết đến nơi này” - ông Hiền thừa nhận.
Khách tham quan rừng dừa nước Cẩm Thanh.
Rừng dừa nước Tịch Tây có nhiều luồng lạch lớn nhỏ chằng chịt bên trong. Từ vài năm trước, việc đầu tư, phát triển du lịch rừng dừa nước Tịch Tây đã được Đảng bộ huyện Núi Thành đưa vào nghị quyết nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch địa phương.
Đặc biệt, đề án phát triển du lịch huyện Núi Thành giai đoạn 2021 – 2025 cũng đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm phát triển rừng dừa theo hướng du lịch sinh thái gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Cùng với đó, các chương trình famtrip, khảo sát, kết nối du lịch rừng dừa nước Tịnh Tây cũng đã được triển khai, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.
Ông Huỳnh Văn Cường - Trưởng phòng VHTT huyện Núi Thành cho biết, mặc dù địa phương đã mời gọi một số doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư vào rừng dừa nước nhưng kết quả không khả quan do hạ tầng, giao thông, dịch vụ hạn chế.
Dù vậy, huyện đang tích cực triển khai đầu tư hạ tầng phục vụ đón khách, dự kiến năm 2024 sẽ xây dựng một bến tàu nhỏ và bãi đậu xe. “Bây giờ phải có doanh nghiệp lớn vào mới hy vọng thúc đẩy du lịch rừng dừa nước Tịch Tây khởi sắc chứ Nhà nước chỉ đầu tư ở mức độ do hạn chế nguồn lực” - ông Cường nói.
Cần đẩy mạnh truyền thông
Quảng Nam đang hướng tới xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch xanh, trong đó du lịch sinh thái, thiên nhiên, bảo tồn văn hóa được xác định là nhóm sản phẩm chủ đạo cho mục tiêu này. Thời gian qua, nhiều điểm du lịch sinh thái, làng quê, làng nghề truyền thống đã trở thành địa chỉ quen thuộc của khách tham quan.
Nổi bật, có thể kể đến rừng dừa nước Cẩm Thanh (TP.Hội An), mỗi ngày nơi đây đón khoảng 3.000 lượt khách tham quan. Có được thành công trên, bên cạnh những lợi thế như nằm vùng ven di sản phố cổ Hội An và trung tâm du lịch Đà Nẵng thì hiệu quả truyền thông đóng vai trò không thể thiếu giúp tạo nên thương hiệu điểm đến, tuy nhiên với Tịch Tây cũng như một số điểm du lịch tiềm năng khác ở phía nam của tỉnh thì không có được lợi thế này.
Thực tế, rất ít doanh nghiệp du lịch Hội An, Đà Nẵng biết đến rừng dừa nước Tịch Tây, thậm chí tìm kiếm trên google map cũng không thể định vị được do địa danh chưa được cắm mốc trên bản đồ. Ông Lê Quốc Việt – chủ khách sạn Santa Sea Villa Hội An, một dân phượt chuyên nghiệp tỏ ra bất ngờ khi nghe nói về rừng dừa nước Tịch Tây, càng bất ngờ hơn khi không thể tìm kiếm địa danh này trên google map.
“Có thể rừng dừa nước Tịch Tây hoang sơ và đẹp hơn rừng dừa nước Cẩm Thanh, nhưng muốn xây dựng điểm đến, đầu tiên phải đẩy mạnh truyền thông, quảng bá liên tục để du khách và doanh nghiệp lữ hành biết, nhưng với rừng dừa nước Tịch Tây thì tôi chưa bao giờ nghe nói tới, với du khách ở xa chắc còn khó hơn” - ông Việt chia sẻ.
Mở rộng không gian du lịch về phía nam và phía tây của tỉnh được xác định là hướng đi quan trọng nhằm dịch chuyển nguồn khách ra xa phố cổ Hội An. Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế về hạ tầng, dịch vụ thì công tác truyền thông, quảng bá được xem điểm yếu khiến nhiều điểm du lịch tiềm năng, trong đó có rừng dừa nước Tịch Tây chưa được nhiều người biết tới.
Theo bà Phạm Quế Anh – Giám đốc Công ty Du lịch Hoian Express, điểm đến chỉ phát triển tốt khi doanh nghiệp lữ hành cùng tham gia, bởi khi doanh nghiệp quan tâm cũng sẽ dễ dàng thuyết phục khách tham quan, kéo theo cơ sở hạ tầng, dịch vụ hoàn thiện dần. “Quảng Nam có quá nhiều điểm đến đẹp nhưng với rừng dừa nước Tịch Tây thì đây là lần đầu tôi nghe nói đến. Sự hạn chế này có nguyên nhân từ ngành du lịch và địa phương khi chưa quảng bá mạnh, hoặc chú trọng vào từng điểm, ngược lại thông tin dàn trải khiến doanh nghiệp và du khách không để ý” - bà Quế Anh nói.
Vĩnh Lộc