Hành trang lữ khách

Quảng Nam: Níu giữ hồn quê

Cập nhật: 14/04/2023 14:14:53
Số lần đọc: 723
Theo thời gian, nhịp sống đời thường cứ lùi dần, chỉ còn ký ức đọng lại. Người hoài cổ đành tìm đến những bảo tàng, như bảo tàng nghề nông, để tự mình đánh thức hồn quê…

Tái hiện khung cảnh nông thôn thanh bình ở Hội An: Phía xa, nhóm nông dân tát nước bằng gàu sòng và có xe đạp nước.Ảnh: H.X.H

Ở Bảo tàng Đồng Đình

Cạnh bộ đôi hiện vật đất nung ở Bảo tàng Đồng Đình (Đà Nẵng) có những dòng mô tả: “Sau khi ép mía người ta lấy nước đường để nấu (hai lần) trong chảo cho đường cô đặc rồi đổ vào muỗng. Tiếp đó người ta đổ lên mặt một lớp bùn non (hoặc bẹ chuối đập dập) để cho nước lóng sạch chất đường trong muỗng.

Mười ngày sau lấy đường thành phẩm từ trong muỗng ra thì sẽ có đường cát trắng ở phần trên để làm bánh trong các dịp lễ tết và phần dưới, đen hơn, để dùng hàng ngày. Cái ui (vò) phía dưới chứa rỉ mật dùng để nấu rượu hoặc tưới lên rơm cỏ bồi dưỡng cho trâu bò ăn vào ngày mùa kéo cày nặng nhọc”.

Với nhiều du khách, kể cả du khách trong nước, không phải ai cũng biết những hiện vật đang trưng bày tại bảo tàng tư nhân nằm trên suối Bụt cạnh đường Hoàng Sa này chính là công cụ sau cùng của dây chuyền chế biến mía đường thủ công truyền thống Quảng Ngãi. Một ký ức “lạc lõng” với không ít người.

Trong 5 cụm chuyên đề bài trí tại bảo tàng tư nhân của đạo diễn Đoàn Huy Giao, thấy có đến 3 không gian ký ức: Ký ức đời rừng Tây Nguyên, Ký ức quê nhà, Ký ức làng chài Nam Thọ. Ngay khuôn viên bảo tàng rộng 1ha cũng là một kiểu ký ức, “bản sao” của vườn đồi trung du Quảng Nam. Ông muốn tái hiện làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước, Quảng Nam) ở bán đảo Sơn Trà.

Nông cụ được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An.

Nhưng không chỉ quanh quẩn ở vùng đất dọc theo quốc lộ 1. Tôi từng bắt gặp nhiều hiện vật khác được sưu tầm từ nhiều vùng xa xôi. Nào chiếc gùi đi săn của người Xơteng hay gùi đựng đồ cưới cô dâu, áo vỏ cây của người Rơngao ở Kon Tum, giỏ hái chè của người Mạ (Lâm Đồng), giỏ đựng cá của người Ba Na…

Những người chuyên tâm sưu tầm như đạo diễn Đoàn Huy Giao đương nhiên có độ bén nhạy mỗi khi bắt gặp một hiện vật hiếm hoi và tìm cách níu giữ chúng. Cũng vì thế, ông có lý do để khắc dòng chữ này và đặt ngay lối vào gian “Ký ức làng chài”: “Đây là sưu tập những mảnh ghép còn lại sau cơn lốc đô thị hóa của làng Nam Thọ”.

Nhìn rộng ra với xứ Quảng, thời gian cũng đẩy lùi biết bao hình ảnh thân quen. Ít ai ngờ, những vật dụng quá đỗi quen thuộc đối với người xứ Quảng từ 4-5 thập niên trước như áo tơi, nón lá, cái cày, chiếc gàu sòng… lại “vào” bảo tàng như những hiện vật quý.

Ở Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An

Một buổi chiều giữa tháng 3/2023, có nhóm du khách nước ngoài chậm rãi lướt qua không gian trưng bày làng nghề ở Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An. Tại đó, trên bục gỗ, chiếc cày đặt khá trang trọng và thấy in hẳn trên bức tường phía sau ảnh chụp một nông dân dắt trâu cày, kèm những dòng mô tả song ngữ Việt - Anh.

Cạnh đó, có hiện vật gàu sòng, gàu dai, có gian nhà lá treo thúng mủng, áo tơi, nón lá… Ít nhất 19 hiện vật của nghề nông như thế được trưng bày tại không gian nghề nông, cạnh không gian trưng bày nghề đánh bắt sông nước khiến bức tranh làng quê xứ Quảng thêm màu sắc.

Du khách tham quan không gian làng nghề (nghề nông, nghề sông nước) ở Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An.Ảnh: H.X.H

Đại diện bảo tàng cho hay, du khách nước ngoài và du khách Việt tỏ ra thích thú mỗi khi thưởng lãm không gian bình dị này. Nhiều du khách tò mò về công dụng của nông cụ, người khác còn dẫn trẻ em theo để cho các cháu “nhận diện” những công cụ vốn dĩ đang vắng bóng dần trong nhịp sống hiện tại.

Tính ra đã 18 năm kể từ ngày Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An mở cửa đón khách (tháng 3/2005). Tôi vẫn còn nhớ, chỉ trước đó 1 năm thôi, như một sự “chuẩn bị”, một số hình ảnh sinh động về nghề nông xứ Quảng đã được mang ra trình diễn trong kỳ lễ hội Hành trình di sản, cũng tại Hội An.

Khi ấy, trong khuôn viên khu du lịch rộng lớn, thấy có những nông dân vung gàu sòng tát nước, có người giã gạo, thổi lò rèn, ép dầu phụng, xay lúa, tráng mỳ. Ngoài đầm nước, có thêm chiếc thuyền nan do một cô gái thong thả buông tay chèo… Một khung cảnh quá đỗi thanh bình.

Trong số những hoạt cảnh ấy, tôi nhìn kỹ mô hình xe nước do người ngồi trên chòi cao đạp và xe trâu đạp nước với chú trâu đang đi vòng quanh trục răng cưa. Tấm biển tròn gắn dòng chữ “Xe đạp nước Điện Bàn” nhắc chuyện cụ Phạm Phú Thứ sau lần đi sứ phương Tây đã ứng dụng mô hình ở Ai Cập, chế tác rồi hướng dẫn nông dân…

Nhớ chuyện cũ và giật mình với chuyện mới. Thì mới đây thôi mà chiếc cối xay lúa đã bặt tăm, chỉ còn nhìn thấy qua hiện vật đặt ở bảo tàng. Thậm chí, hồi tháng 8/2021 Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An còn livestream (phát trực tiếp) để giới thiệu về cối xay lúa.

Nghề nông lùi cả vào tour du lịch. Ai muốn trải nghiệm thì đăng ký tour “Một ngày làm nông dân”. Những vật dụng, những nếp sinh hoạt dân dã của thế hệ này rất dễ xa lạ đối với thế hệ kế tiếp. Từ sau năm 1975, nhiều đứa trẻ thân quen với con trâu cái cày.

Rồi đến một ngày, cải tạo bờ vùng bờ thửa, máy móc tràn về, con trâu dần vắng bóng trên đồng ruộng. Vẫn còn nhớ biết bao đêm ba mẹ phải thức ngoài đìa để kịp phiên tát nước vào ruộng lúa, đến một ngày nguồn nước thủy lợi Phú Ninh ăm ắp theo dòng kênh, chiếc gàu sòng ăn lóc nơi xó nhà… Không cứ phải cuồng loạn như cơn lốc tràn qua làng Chăm cổ Nam Thọ, mà cuộc chuyển dịch âm thầm ở vùng nông thôn cũng đủ khiến những thân quen xưa trở thành ký ức.

Nhớ lần đưa tôi đi một quãng ngắn tham quan Bảo tàng Đồng Đình, đạo diễn Đoàn Huy Giao bảo những tĩnh vật đang trưng bày “hình như nó nói với mình một điều gì đó”. Lúc ấy, ông nêu hình ảnh rất thú vị, rằng mỗi hiện vật đang cất giữ một câu chuyện mà nếu lần theo chúng sẽ gặp lại quá khứ và tìm thấy “căn cước văn hóa” của vùng đất.

Không thể đảo ngược dòng chảy thời gian, thì chỉ còn cách tìm đến, ngồi xuống, đối diện và nghe kỷ vật xưa lên tiếng.

 Hứa Xuyên Huỳnh

 

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Ngày 13/04/2023

Cùng chuyên mục