Hoạt động của ngành

Quảng Trị: Phố đi bộ Lao Bảo - điểm giao lưu văn hóa đậm màu sắc biên giới

Cập nhật: 09/05/2023 15:18:38
Số lần đọc: 545
Thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đang hoàn thiện tuyến phố đi bộ đầu tiên trên khu vực biên giới. Đây là không gian giao lưu, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, ẩm thực đang được người dân chờ đợi và kỳ vọng sẽ là điểm giải trí hấp dẫn, thu hút khách du lịch.


Đường Nguyễn Huệ, nơi tổ chức tuyến phố đi bộ. Ảnh: Yên Mã Sơn

Phố đi bộ Lao Bảo có những gì?

Những ngày này, chính quyền thị trấn Lao Bảo cùng các tổ chức chính trị - xã hội và người dân địa phương đang gấp rút chuẩn bị tổ chức thí điểm phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ kéo dài từ đường Lê Quý Đôn đến đường Trần Phú, thuộc khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo. Theo lãnh đạo UBND thị trấn Lao Bảo, phố đi bộ sẽ được tổ chức trong không gian đường Nguyễn Huệ, là tuyến đường đôi, có dải phân cách cứng, đoạn tổ chức phố đi bộ có độ dài 300m, chiều rộng là 31m.

Khu vực này có hệ thống giao thông liên kết hoàn chỉnh, nhiều tuyến phố giao cắt. Việc lựa chọn tuyến Nguyễn Huệ làm phố đi bộ là nơi có ít các hộ dân sinh sống nên quá trình triển khai phố đi bộ sẽ ít ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của các hộ gia đình trên tuyến đường. Hiện nay, trên tuyến phố có 1 cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, 3 quán cà phê, 2 điểm vui chơi giải trí cho trẻ em. Phần lớn các hộ kinh doanh hoạt động từ 8-22 giờ hằng ngày, lượng khách ổn định.

Ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho biết, phố đi bộ Nguyễn Huệ chính thức bước vào hoạt động thí điểm từ 17 giờ, ngày 28/4 đến hết ngày 30/4. Trong đêm khai mạc, khu phố thu hút gần 70 gian hàng tham gia với các hoạt động sôi động phục vụ giao lưu văn hóa, văn nghệ; quảng bá các sản phẩm OCOP; ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí...

Phố đi bộ đáp ứng các công năng tối thiểu, được chia thành các khu vực: Khu trưng bày và bán các sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản của Lao Bảo, nước bạn Lào và các xã, thị trấn lân cận; khu biểu diễn văn hóa nghệ thuật, chụp hình lưu niệm; khu giải khát và vui chơi thiếu nhi; khu ẩm thực món ngon đặc sản của Lao Bảo, nước bạn Lào và các xã, thị trấn lân cận; khu vực bãi trông giữ xe và khu vực vệ sinh công cộng.

“Lao Bảo là thị trấn biên giới giáp Lào nên phố đi bộ Nguyễn Huệ có các bản kết nghĩa phía Lào sang giao lưu văn hóa và ẩm thực. Du khách được trải nghiệm, thưởng thức các món ăn do người Lào chế biến và cùng nhảy điệu lăm vông của xứ Triệu Voi. Tuyến phố đi bộ vừa là không gian sinh hoạt văn hóa, vừa là điểm vui chơi, giải trí và mua sắm vào ban đêm nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân; góp phần lưu giữ khách ở lại, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn” - ông Lê Bá Hùng cho biết.

Người dân kỳ vọng phố đi bộ là nơi thu hút khách du lịch

Phố đi bộ Nguyễn Huệ nằm ở trung tâm thị trấn, sát bờ hồ Lao Bảo - nơi có cảnh quan đẹp, thoáng mát. Hiện tại, khu vực lân cận đường Nguyễn Huệ có hệ thống cơ sở kinh doanh vỉa hè, đáp ứng nhu cầu của người dân. Anh Trương Quốc Dũng, một hộ dân sống ở khu vực hồ Lao Bảo cho biết, với địa thế thuận lợi sát bờ hồ, có cảnh quan mát mẻ vào mùa Hè nên các cơ sở kinh doanh di động tại nơi này hoạt động rất tốt. Khi đêm về, khu vực ven đường Nguyễn Huệ đoạn sát bờ hồ là nơi “giải nhiệt” của toàn thị trấn.

Ở đây người dân có thể đi bộ thể dục, dưỡng sinh hoặc thưởng thức các món ẩm thực chế biến nhanh, đơn giản để nghỉ ngơi, giải trí. Nếu được đầu tư bài bản, có nhiều chuỗi ẩm thực đồng bộ cùng với các trò chơi, văn nghệ quần chúng, các hoạt động văn hóa khác… sẽ kéo một lượng khách trong và ngoài địa bàn đến trải nghiệm, thưởng thức.

Anh Nguyễn Đặng Trường Phong, chủ nhà hàng Sabaidee thuộc khu vực Nguyễn Huệ cho biết, cơ sở kinh doanh của anh nằm trên đường trung tâm thị trấn, nơi đây hoạt động về đêm rất nhộn nhịp. Nhà hàng anh Phong thường phục vụ đa số là khách Lào đến từ huyện Sê Pôn. “Những người này mong muốn có một không gian vui chơi, giải trí để trải nghiệm không khí về đêm của Việt Nam. Phố đi bộ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giải trí đường phố thu hút khách đến giao lưu, thưởng thức. Nếu hoạt động thường xuyên sẽ trở thành một thương hiệu của đô thị biên giới này” - Anh Phong chia sẻ.

Thị trấn Lao Bảo nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) nên hằng ngày, nơi đây thường xuyên có khách du lịch trong và ngoài nước ngang qua. Tuy nhiên, số lượng du khách lưu trú ở địa phương này rất ít vì thiếu những sân chơi, chỗ giải trí. Ông Nguyễn Văn Quyến (khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo) cho biết: “Người dân rất hoan nghênh thị trấn tổ chức phố đi bộ. Việc chọn khu vực đường Nguyễn Huệ để thí điểm là nơi phù hợp, đáp ứng các điều kiện thiết yếu. Nơi đây trồng nhiều hoa giấy, hoa chuông vàng nở rực quanh năm; hệ thống cây xanh và cảnh quan đẹp. Người dân Lao Bảo đang rất cần chỗ vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa… Việc phố đi bộ tổ chức thành công sẽ quảng bá, lan tỏa hình ảnh Lao Bảo đến với bạn bè, đặc biệt trên con đường xuyên Á”.

Ông Trần Đình Dũng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lao Bảo cho biết, chương trình hành động của Đảng bộ huyện Hướng Hóa xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Lao Bảo là đô thị đầu cầu trên đường xuyên Á, nơi có các điều kiện để phát triển mọi mặt, trong đó có kinh tế du lịch.

“Hình thành phố đi bộ Nguyễn Huệ ở thị trấn biên giới này sẽ là điểm nhấn, thương hiệu lâu dài của Lao Bảo nếu tổ chức và duy trì được. Phố đi bộ Nguyễn Huệ được tổ chức vào các ngày lễ và sự kiện lớn của địa phương như Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Chiến thắng Khe Sanh - Giải phóng Hướng Hóa (9/7), Quốc khánh (2/9), Tết Dương lịch… Vậy nên chúng tôi xác định xây dựng phố đi bộ Lao Bảo theo hướng có nhiều điểm mới, lạ, trong đó, lấy sự giao thoa văn hóa Việt - Lào làm điểm nhấn”. - Ông Trần Đình Dũng chia sẻ.

Yên Mã Sơn

Nguồn: Báo Biên phòng - bienphong.com - Đăng ngày 04/05/2023

Cùng chuyên mục