Hành trang lữ khách

Quyến rũ sắc Xuân miền cực Bắc

Cập nhật: 16/03/2021 08:33:03
Số lần đọc: 858
Mỗi mùa Xuân đến, mảnh đất biên cương cực Bắc Tổ quốc – Hà Giang lại khoác lên mình vẻ đẹp làm đắm say lòng người. Giữa rừng núi mênh mông, nơi đất trời giao hòa cùng cỏ cây, hoa lá, sắc thắm của những cành đào phai hòa trong sắc trắng của hoa mận, hoa lê. Những bước chân trẩy hội của các chàng trai, cô gái người Tày, Dao, Mông… quyện trong tiếng sáo, tiếng khèn gọi bạn âm vang khắp núi rừng. Những lễ hội văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc cùng sự mến khách, mộc mạc của người dân bản địa. Tất cả tạo một sắc Xuân vô cùng quyến rũ cho mảnh đất địa đầu Hà Giang.


Thiếu nữ Mông chơi đánh yến trong Lễ hội Gầu Tào, xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì).

Núi rừng Hà Giang mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng, đầy bí ẩn và có sức đam mê, quyến rũ. Song, có lẽ mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm. Trong tiết Xuân ấm áp, những chồi non mạnh mẽ vươn lên căng tràn nhựa sống. Trên nền xanh tươi ấy là những sắc màu tinh khôi của các loài hoa rừng. Mảnh đất biên cương vào Xuân với ngàn thứ hoa, nhưng đặc trưng nhất phải kể đến hoa đào. Đào phai Hà Giang không rực rỡ, kiêu sa mà mang nét đẹp đằm thắm và dung dị, mộc mạc như chính những con người miền sơn cước. Trên những cành nâu xám, xù xì, mỗi độ Xuân về lại bung nở những cánh hồng phơn phớt, dịu dàng và e ấp đến nao lòng. Mùa này, đi dọc những con đường trên vùng Cao nguyên đá, đâu đâu cùng tràn ngập sắc thắm của đào phai, tạo nên không khí Xuân rất đặc trưng của vùng cao.

Trên nền Đào phai thắm sắc là một màu trắng tinh khôi của hoa mận, hoa lê, dệt nên mùa Xuân lung linh sắc màu cho vùng cao Hà Giang. Những chùm hoa trắng đan xen nhau giữa khung cảnh núi non kỳ vỹ, phủ kín những mái nhà trình tường của đồng bào, tạo nên một khung cảnh vừa nên thơ, vừa lãng mạn. Sau khi cho mùa quả ngọt vào độ tháng 6, tháng 7, những thân cây xù xì hấp thụ đủ tinh hoa của đất, trời, đủ sương và gió của miền sơn cước để sau Tết Nguyên đán, trên những cành lê, cành mận khẳng khiu bung nở từng chùm hoa. Đến một ngày, cả vườn mận, vườn lê dọc khắp các sườn đồi cùng bung nở trắng ngần, tạo nên một vẻ đẹp mê mải giữa khung cảnh núi non hùng vỹ. 

Không chỉ quyến rũ bởi sắc màu của những loài hoa rừng cùng phong cảnh nên thơ, hữu tình, đến Hà Giang vào mùa Xuân du khách còn được hòa mình vào những lễ hội đậm đà bản sắc của các dân tộc nơi đây. Với ý nghĩa tâm linh sâu sắc đó là cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu, nên vào những ngày đầu Xuân, mỗi dân tộc ở Hà Giang đều tổ chức lễ hội đặc trưng của dân tộc mình như: Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, lễ hội Bàn Vương của người Dao, lễ hội Gầu Tào của người Mông… Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 nên nhiều lễ hội dừng tổ chức, một số lễ hội chỉ tiến hành quy mô nhỏ ở thôn, bản nhưng không vì thế mà các lễ hội truyền thống ở Hà Giang giảm đi sức hút với du khách.

Một trong những lễ hội lớn và quan trọng nhất của người Mông ở Hà Giang mỗi dịp Tết đến, Xuân về là Lễ hội Gầu Tào. Lễ hội thường diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày mùng 1 đến rằm tháng Giêng, trở thành ngày hội vui Xuân của đồng bào Mông, cầu phúc cho cả bản, làng. Sau khi thầy cúng thay mặt dân bản tiến hành phần nghi lễ cầu xin các vị thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, lúa ngô đầy bồ, lợn, gà béo tốt, thì đến phần hội náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: Leo cột, bắn nỏ, đẩy gậy, thi thêu hoa văn, thi đan quẩy tấu... tạo nên không khí vui tươi, náo nhiệt trong những ngày đầu Xuân mới.

Cũng vào những ngày đầu tiên của tháng Giêng, các bản người Tày thường tổ chức lễ hội Lồng Tồng với ước mong về một năm mới sung túc, cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Đặc sắc không kém lễ hội Gầu Tào, sau khi hoàn thành nghi lễ, người già, người trẻ, thanh niên nam, nữ cùng nhau bắt đầu phần hội náo nhiệt. Rất nhiều trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức như kéo co, đẩy gậy, thi cấy lúa và đặc biệt là “đặc sản” ném còn - thứ trò chơi vô cùng ý nghĩa và đặc sắc trong quan niệm của người Tày. Tại khu vực trung tâm của lễ hội, người ta dựng một cây nêu cao, những quả còn nhỏ xinh với nhiều tua rua có màu sắc sặc sỡ được tung lên trời, hướng tới tâm của vòng tròn được dán giấy hồng 2 mặt uốn trên đỉnh cây nêu. Trong văn hóa của người Tày, nếu vòng tròn được ném trúng thì có nghĩa là mang lại một năm mới thật may mắn, đủ đầy và ấm no cho tất cả người dân trong bản. Đồng bào Tày coi lễ hội Lồng Tồng là tài sản văn hóa tinh thần vô giá, bởi nó chứa đựng mong ước, niềm tin cháy bỏng của mỗi người dân về một cuộc sống yên lành, no đủ.

Những ngày đầu năm mới, du Xuân vùng cao để thưởng ngoạn thiên nhiên hữu tình với rợp trời sắc thắm của những loài hoa, sắc màu váy áo thổ cẩm rực rỡ của bà con các dân tộc, hòa mình vào không khí hân hoan, náo nhiệt của những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc chắc hẳn sẽ đem đến trải nghiệm vô cùng đáng nhớ trong lòng du khách khi đến với Hà Giang mỗi độ Xuân về.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục