Quyết tâm mở ra trang mới cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc; lãnh đạo các Cục, Vụ đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bước đầu đẩy mạnh quảng bá, khai thác du lịch nông nghiệp, nông thôn
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: TITC
Báo cáo về tình hình triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức một số hội nghị, diễn đàn hướng dẫn triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ công tác quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch nông thôn như: tổ chức, phối hợp tổ chức hội thảo thảo luận về cơ chế chính sách phát triển mô hình du lịch farmstay, hội thảo kinh doanh bất động sản du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức một số đợt đào tạo, tập huấn về áp dụng Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN tại các địa phương như Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Sa Pa (Lào Cai), Đà Nẵng…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: TITC
Bên cạnh đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai nhiệm vụ Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ du lịch nông thôn, trong đó có xây dựng tài liệu thuyết minh đa phương tiện giới thiệu các điểm du lịch, điểm di tích, làng nghề truyền thống... gắn với phát triển du lịch nông thôn; xây dựng video clip giới thiệu điểm đến, giới thiệu du lịch nông thôn trên nền tảng Youtube; quảng bá du lịch nông thôn trên nền tảng mạng xã hội; xây dựng chuyên trang quảng bá du lịch nông thôn trên website du lịch quốc gia của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.
Hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng địa bàn, tuyến điểm du lịch trong kết nối đô thị với nông thôn, trung tâm du lịch với các điểm vệ tinh, qua đó góp phần da dạng điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam. Hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng đa dạng, phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Nhiều địa phương trong cả nước khai thác các thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống, hoạt động sản xuất canh tác nông nghiệp, đặc sản địa phương, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực… tạo nên các sản phẩm dịch vụ du lịch có tính đặc thù, chuyên biệt cao. Một số hoạt động du lịch khác được khai thác ở khu vực nông thôn đan xen với các loại hình du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái, làng nghề… trong đó đặc biệt phát triển mạnh ở khu vực trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030. Ảnh: TITC
Hoạt động tuyên truyền xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu điểm đến, thương hiệu du lịch gắn với đặc trưng nông nghiệp nông thôn đã được nhiều địa phương đầu tư khai thác, tạo nên sức hấp dẫn và thu hút khách về với khu vực nông thôn. Một số bản, làng khai thác du lịch được đánh giá công nhận theo tiêu chí OCOP, tiêu chuẩn ASEAN, Làng du lịch tốt nhất thế giới của Tổ chức du lịch Liên hợp quốc…
Hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn không ngừng được đầu tư nâng cấp để phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm, lưu trú… Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là các sản phẩm OCOP được quan tâm. Sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du du khách, nâng cao chi tiêu của khách du lịch.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong. Ảnh: TITC
Theo ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị phát triển mô hình và nguồn nhân lực du lịch canh nông; ban hành tài liệu tập huấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam; cung cấp thông tin về một số nền tảng số trong giới thiệu mô hình, quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về Chương trình phát triển du lịch nông thôn cho các cán bộ quản lý chương trình các cấp ở địa phương… Đã có 584 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động và nằm trong kế hoạch hỗ trợ của các địa phương. Đáng mừng, đã có 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 922/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh. Ảnh: TITC
Công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh, thường xuyên. Truyền tải thông điệp về phát triển bền vững, phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, vai trò của cộng đồng, cán bộ cơ sở. Các địa phương cũng triển khai truyền thông với nhiều hình thức đa dạng thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí, mạng xã hội…
Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc trình bày báo cáo về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và tình hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: TITC
Báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng chỉ ra bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Chất lượng dịch vụ còn hạn chế, thiếu các sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao… Vướng mắc liên quan đến vấn đề sử dụng đất để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Một số trang trại nông nghiệp, khu vực canh tác nông nghiệp có điều kiện phát triển du lịch nhưng chưa có quy định để một trang trại có thể kết hợp đồng thời vừa sản xuất nông nghiệp vừa phục vụ khách du lịch góc độ có thể cung ứng những dịch vụ chuyên sâu, có chất lượng như có khu vực nhà đón tiếp, nhà trưng bày, khu vệ sinh, đáp ứng dịch vụ ăn uống mua sắm, lưu trú…
Quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng tổng thể cảnh quan các làng, bản, điểm du lịch nông thôn còn thiếu đồng bộ, khó hình thành các điểm du lịch nông nghiệp nông thôn mang đặc trưng bản sắc văn hóa vùng, miền. Nguồn nhân lực du lịch nông thôn còn hạn chế, nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, phần lớn dịch vụ do các hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp ở mức độ đơn giản, quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ không đồng đều.
Ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về kết quả thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TITC
Do vậy, thời gian tới cần đề xuất tháo gỡ khó khăn đối với phát triển mô hình du lịch nông nghiệp trên đất nông nghiệp, mô hình kinh tế trang trại kết hợp khai thác du lịch; đề xuất chính sách ưu đãi riêng đối với các dự án được xác định phát triển theo mô hình liên kết chuỗi du lịch và nông nghiệp. Phối hợp hướng dẫn các địa phương đưa nội dung phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn vào quy hoạch kinh tế xã hội các tỉnh và quy hoạch nông thôn phù hợp với xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố rà soát, đề xuất một số khu vực đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có điều kiện phát triển du lịch để lập đề án quy hoạch, dự án phát triển, đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng sang sản xuất kết hợp kinh doanh du lịch. Phối hợp triển khai chương trình hỗ trợ sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, có thương hiệu. Định hướng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp đem lại lợi ích đồng thời cho ngành nông nghiệp và du lịch. Triển khai chương trình xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn thông qua các sự kiện, hội chợ, ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Đồng quan điểm, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng, chương trình phát triển du lịch nông thôn lần đầu được triển khai đồng bộ, dẫn đến khó khăn về tiếp cận, thực hiện các giải pháp, đặc biệt là công tác đánh giá tài nguyên, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc. Ngoài ra, thiếu công tác quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn; mô hình du lịch nông thôn còn tự phát, manh mún… dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và quảng bá du lịch.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: TITC
Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức và năng lực hành động trong phát triển du lịch nông thôn bền vững; hoàn thiện chính sách, bổ sung quy hoạch gắn với xây dựng nông thôn mới, ban hành bộ tiêu chí về mô hình du lịch nông thôn; tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức về thị trường; phát triển sản phẩm, điểm đến, tour tuyến du lịch nông thôn đặc sắc; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại kết nối cung cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Cũng tại buổi Tọa đàm, lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc hai Bộ đã trao đổi, chia sẻ, chỉ ra những khó khăn trong quá trình thực hiện, từ việc thiếu quy hoạch, dẫn đến tự phát, khó quản lý; chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn còn hạn chế; vướng mắc về vấn đề sử dụng đất để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; vướng mắc về thủ tục đầu tư… Các đại biểu cũng đề xuất những định hướng, những giải pháp để phát triển trong thời gian tới, nhấn mạnh yếu tố kết nối văn hóa trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Quyết tâm mở ra trang mới cho du lịch nông nghiệp, nông thôn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần nhận diện những nét nổi trội của văn hóa bản địa để hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của mỗi địa phương. Ảnh: TITC
Tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, du lịch nông nghiệp, nông thôn có dư địa phát triển tốt nếu hai ngành cùng nhau tạo lập, khai thác có hiệu quả. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, sản phẩm du lịch nông nghiệp bắt nguồn từ chiều sâu của văn hóa bản địa, văn hóa cộng đồng làng xã, cùng với những thành tựu về nông nghiệp, nông thôn và quá trình xây dựng nông thôn mới tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đặc biệt, những người dân địa phương biết tận dụng tiềm năng, thế mạnh của vùng đất mình để tạo ra các sản phẩm đặc sắc đó. Việt Nam có đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, có các làng nghề thủ công, có nền văn hóa nông nghiệp lúa nước để gia tăng trải nghiệm cho du khách, đồng thời mang lại lợi ích, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân bản địa.
Bộ trưởng đơn cử, những thửa ruộng bậc thang không chỉ mang lại lương thực cho bà con, mà còn thể hiện nét văn hóa truyền thống ở cách gieo trồng lúa, cách làm ra ruộng bậc thang, văn hóa của người dân bản địa vùng cao, không chỉ vậy còn tạo ra cảnh vật tuyệt đẹp, nên thơ, trù phú thu hút du khách gần xa tìm đến. Hay những làng hoa bình dị đã trở thành điểm tham quan nổi tiếng. Lễ hội hoa phượng đỏ đã trở thành biểu tượng của Hải Phòng, lễ hội hoa ban đã trở thành biểu tượng của vùng núi Tây Bắc, những cánh đồng hoa tam giác mạch cũng đã trở thành biểu tượng của vùng đất Hà Giang… đều đã trở thành những điểm thu hút, hấp dẫn đối với du khách.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng, của nhân dân trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp, nông thôn gắn liền với người nông dân là chủ thể chính. Từ đó mới sinh ra các loại hình sản phẩm, dịch vụ, qua vận hành khai thác mang lại lợi ích cho bà con nông dân, cải thiện đời sống cho người dân và cũng mang lại cơ hội giao lưu, kết nối người dân bản địa với bạn bè, du khách.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị, trong thời gian tới, cần nhận thức sâu hơn và làm tốt hơn vai trò kiến tạo của nhà nước trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương, tạo thuận lợi về cơ chế chính sách cho du lịch nông nghiệp, nông thôn. Bộ trưởng nhấn mạnh, có những mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở địa phương nếu được hướng dẫn, dẫn dắt thì sẽ phát triển bền vững hơn, sản phẩm đặc sắc hơn, yếu tố văn hóa được lồng ghép vào du lịch tốt hơn.
Cần tăng cường liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp du lịch, lữ hành và cộng đồng dân cư. Các doanh nghiệp cần đồng hành cùng với địa phương, người nông dân để xây dựng các chương trình du lịch, các điểm đến hấp dẫn, sản phẩm du lịch đặc sắc và chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tìm được giá trị tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng, miền, địa phương để tạo nên sự ấn tượng, khác biệt. Tránh tình trạng phát triển nóng, quy mô nhỏ lẻ, khó có điều kiện để cạnh tranh.
Bộ trưởng cũng cho rằng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững cần gỡ nút thắt về thể chể chính sách, nhất là vấn đề liên quan đến đất đai, hạ tầng cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, cần tập trung nhận diện, đánh giá nét nổi trội của văn hóa bản địa từng vùng miền, ví dụ nhắc đến Bắc Ninh thì nhớ đến dân ca quan họ, nói đến Nghệ An, Hà Tĩnh thì nhớ đến dân ca ví dặm, muốn ngắm sen, thưởng thức các sản phẩm từ sen và nghe đờn ca tài tử thì về Đồng Tháp. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thổi hồn văn hóa vào sản phẩm du lịch của từng địa phương, từ đó xây dựng một cách bài bản các sản phẩm đặc trưng, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa. Xác định rõ các sản phẩm của du lịch nông nghiệp, nông thôn để có định hướng đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phát triển một cách bài bản. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, tạo ra giá trị mới cho du lịch và nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ gia tăng giá trị kinh tế trong nông nghiệp, đem lại lợi ích lớn hơn cho người nông dân. Ảnh: TITC
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cần mở rộng không gian bản đồ du lịch quốc gia, không chỉ dừng lại ở những địa danh nổi tiếng như Hạ Long, Đà Nẵng, Huế, Phú Quốc… mà còn rất nhiều không gian rộng lớn, đó là nông thôn, các di sản phi vật thể, trầm tích… Sức sống cộng đồng còn rất lớn, cần mở ra những miền giá trị mới, không gian giá trị mới cho nông thôn, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng, du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ giúp gia tăng giá trị kinh tế trong nông nghiệp, đem lại lợi ích lớn hơn cho người nông dân, chuyển dịch tư duy từ sản xuất sang phát triển kinh tế từ du lịch nông nghiệp. Định hình và thu hút tình yêu của thế hệ tương lai đối với nông nghiệp, nông thôn, cội nguồn và các giá trị phi vật thể. Đồng thời, Bộ trưởng bày tỏ hy vọng sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ mở ra một trang mới, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để làm tốt hơn nữa, tiếp tục khai phá những cái mới để có những sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn sáng tạo, hấp dẫn; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương làm tốt hơn nữa trong công tác phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030. Chương trình nhằm mục đích tăng cường phối hợp giữa hai Bộ để phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng của hai ngành nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bao trùm, đa giá trị, hiệu quả và bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên về nông nghiệp, làng nghề, môi trường sinh thái, cảnh quan nông thôn và các giá trị văn hóa đặc trưng vùng miền.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: TITC
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tặng quà Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: TITC
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà Thứ trưởng Hồ An Phong. Ảnh: TITC
Trung tâm Thông tin du lịch