Non nước Việt Nam

Rau sắng chùa Hương

Cập nhật: 20/04/2022 10:30:18
Số lần đọc: 856
Cây sắng (hay còn gọi là cây mỳ chính, rau ngót rừng, lai cam, tắc sắng...) là loài cây thân gỗ, thường mọc tự nhiên ở vùng núi đá vôi tại Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh... Nhưng nổi tiếng nhất và có hương vị ngon ngọt nhất vẫn là rau sắng mọc ở khu vực chùa Hương, trong các khu rừng ở xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Là một loại rau đặc sản, rau sắng có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho người mới ốm dậy hay phụ nữ mới sinh nhờ mang nhiều chất bổ dưỡng.


Cây sắng ưa đất ẩm, mọc dưới tán lá của những loại cây khác. Ở xã Hương Sơn, người dân thường trồng cây sắng dưới tán rừng mơ - một loài cây đặc sản nổi tiếng khác gắn với danh thắng chùa Hương. Lá sắng màu xanh bóng, hình lưỡi mác. Phần được gọi là “rau sắng” là phần đọt thân và lá non, được người dân thu hái khi mới nhú lên khoảng 5 - 10cm. Nếu lấy phần già hơn, rau sắng sẽ bị cứng, khó ăn và không có vị ngọt, hương thơm như phần lá non. Cách nấu canh rau sắng tương tự như nấu rau ngót thông thường. Người ta tuốt hết cọng, chỉ lấy phần lá non. Sau khi rửa sạch, vò nát cho rau mềm hơn thì cho vào nồi nước sôi và nêm gia vị hoặc muối. Nhờ vị ngọt sẵn có nên canh rau sắng thường được nấu suông, ăn kèm cà muối vào mùa hè vừa mát lành vừa bổ dưỡng. Cầu kỳ hơn, rau sắng có thể nấu cùng thịt nạc, tôm nõn hoặc cá, không phải nêm mỳ chính mà bát canh vẫn có vị ngọt tự nhiên.

Hoa sắng thường ra vào tháng 2, có màu trắng và mọc từ những mắt của thân cây thành từng chùm. Phần này có thể dùng nấu canh hoặc xào với thịt bò. Khoảng tháng 6, quả sắng kết trái, có vị ngọt như mật ong. Quả sắng có thể được tách vỏ, lấy hạt ninh xương và chế biến món canh cho hương vị ngon ngọt, bổ dưỡng.

Trước đây, những cây rau sắng dại thường mọc trên các vách đá cheo leo. Để hái được, người đi rừng phải thông thuộc địa hình, có sức khỏe và leo trèo giỏi. Vì quý hiếm nên có thời gian rau sắng bị khai thác nhiều đến mức có khả năng biến mất. Hiện nay, chính quyền địa phương cùng người dân và các nhà khoa học đang nỗ lực bảo tồn giống, nhân rộng diện tích trồng để khôi phục và bảo vệ loài cây là đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Hương Sơn.

Thủy Hương

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 20/04/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT