Sa Pa: Hành trình từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Báo Lào Cai
Tham dự hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, lãnh đạo thị xã Sa Pa và 165 đại biểu là nhà khoa học, giới chuyên môn, nhà quản lý trên nhiều lĩnh vực tại các cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước.
Nằm ở phía tây bắc của Tổ quốc, Sa Pa là thị xã vùng cao của tỉnh Lào Cai, cách Thủ đô Hà Nội 315 km, cách trung tâm tỉnh lỵ - thành phố Lào Cai 34 km. Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng những nguồn lực kỳ diệu về cảnh sắc, khí hậu, tài nguyên.
Đề dẫn tại hội thảo, TS. Tô Ngọc Liễn, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa ôn lại quá trình hình thành và phát triển của Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Cách đây tròn 120 năm (năm 1903), đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương đã khảo sát và phát hiện cảnh quan kỳ vĩ của cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Đoàn đã đặt tên Cao trạm khu vực là Sa Pa.
Đây được coi là dấu mốc ban đầu hình thành khu du lịch Sa Pa. Năm 1905, đoàn khảo sát người Pháp đã thám hiểm và đặt mốc tiêu trên đỉnh Fansipan. Ngày 2/6/1909, Chánh sứ Lao Kay (tên cũ của tỉnh Lào Cai) trình Thống sứ Bắc Kỳ đề nghị thành lập Khu điều dưỡng trên cao trạm Sa Pa.
Tiến sỹ Tô Ngọc Liễn, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa phát biểu đề dẫn tại hội thảo. Ảnh: Báo Lào Cai
Từ sau dấu mốc đó là quá trình phát triển của Sa Pa theo năm tháng với những công trình lần lượt được dựng lên, những hoạt động du lịch từng bước phát triển.
Năm 2017, Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia mang tầm cỡ quốc tế, từ đó tạo tiền đề cho việc quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch đến Sa Pa.
Ngày 1/1/2020, thị xã Sa Pa được thành lập theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt dành cho sự phát triển của Sa Pa và là cơ hội mở ra xây dựng đô thị Sa Pa xứng tầm là Khu du lịch quốc gia và vươn tới đẳng cấp quốc tế.
Với những bước phát triển đột phá, lượng khách du lịch đến với Sa Pa ngày một tăng, các khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch cũng phát triển mạnh, các loại hình phục vụ du lịch ngày càng phong phú.
Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên và nhân văn riêng có, trong những năm gần đây, du lịch Sa Pa đã và đang có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng với tốc độ tăng trưởng đạt 45,17%. Từ đầu năm 2023 đến nay, lượng khách du lịch đạt hơn 2,58 triệu lượt khách, bằng 160% so với cùng kỳ năm 2022, dự kiến hết năm 2023, thị xã sẽ đón trên 3,5 triệu lượt khách, doanh thu hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Phó Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn cho biết: “Nhìn lại chặng đường hành trình từ trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa, chúng ta càng tự hào vào khẳng định vị thế của du lịch Sa Pa với bề dày 120 năm hình thành và phát triển. Đây là mốc thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu và nhận diện giá trị tài nguyên du lịch đặc trưng của Sa Pa trong suốt hành trình hình thành và phát triển”.
TS. Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Báo Lào Cai
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam biểu dương những cố gắng, nỗ lực của Sa Pa trong việc hình thành và phát triển du lịch trong nhiều năm qua. Sa Pa đã khẳng định được thương hiệu du lịch.
Sa Pa có một sức hút lạ kỳ đối với du khách. Không chỉ bởi cảnh quan, khí hậu cùng với hệ thống di sản độc đáo của thiên nhiên mà còn bởi một cuộc sống mộc mạc, giản dị nhưng mang đậm nét văn hóa vùng cao của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại nơi đây.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng nhấn mạnh, nói tới du lịch Sa Pa có nhiều vấn đề để thảo luận như: phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của Sa Pa; nắm bắt xu hướng du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tư duy làm du lịch; học tập kinh nghiệm khai thác và phát triển du lịch quốc tế... để Sa Pa luôn là nơi đáng đến, đáng sống và đáng trải nghiệm.
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu gợi ý, vấn đề đáng quan tâm hiện nay của Sa Pa là tìm giải pháp để phát triển du lịch bền vững, đem lại lợi ích "kép": Du lịch trở thành kế sinh nhai cho người dân tộc thiểu số, nhưng không làm mất đi, không làm mai một những giá trị tự nhiên, giá trị văn hoá đã tồn tại. Đó thực sự là hướng đi đúng đắn mà Sa Pa đã và đang hướng tới trong hơn 100 năm hình thành và phát triển.
Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch xây dựng Lào Cai Nguyễn Văn Quân đề nghị, địa phương cần xây dựng bộ tiêu chí về kiến trúc công trình của Sa Pa mà ở đó các công trình vật thể kiến trúc ngoài đảm bảo các yêu cầu về sự bền vững, sự phù hợp với quy hoạch xây dựng… còn đảm bảo các yếu tố mang đặc điểm nhận diện của kiến trúc Sa Pa và là mỗi công trình kiến trúc phải sự là một tác phẩm hoàn chỉnh.
Tại hội thảo, các tài liệu, luận cứ khoa học đã được các đại biểu thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của vùng đất và con người Sa Pa trong tiến trình lịch sử 120 năm hình thành và phát triển; đồng thời nêu ra những giải pháp, định hướng góp phần phát triển du lịch Sa Pa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tiến tới xây dựng Sa Pa trở thành Khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế.
Trung tâm Thông tin du lịch