Sắc đỏ trên non cao
Yếu tố đầu tiên tạo nên dấu ấn độc đáo trong trang phục truyền thống của đàn ông và phụ nữ dân tộc Dao đỏ Cao Bằng chính là màu sắc. Gam màu cơ bản là màu chàm, màu đỏ và màu trắng, trong đó màu đỏ chủ đạo. Các mảnh vải đỏ sặc sỡ được thêu hoặc gắn vào nền vải chàm. Trang phục của người phụ nữ dân tộc Dao đỏ gồm nhiều loại hình như khăn, mũ, áo, yếm, quần, dây lưng. Nếu như dân tộc Mông tập trung làm đẹp ở chiếc váy thì dân tộc Dao quan tâm tôn tạo vẻ đẹp ở chiếc áo. Áo dài của người Dao may kiểu xẻ ngực (áo hở ngực), không có khuy, không có cúc, gấu áo dài chấm đầu gối, trang trí đường viền để hở ngực. Hai bên áo có hai chuỗi bông gù (nom làng gẩu) mỗi bên có 8 bông màu đỏ rực rỡ. Áo dài thường được mặc với chiếc yếm màu sáng nhạt.
Bộ trang phục của người phụ nữ là sản phẩm kết hợp giữa kỹ thuật cắt may, chế tác và nghệ thuật trang trí. Điểm nhấn của bộ trang phục là phần ngực áo được trang trí bằng nhiều hoạ tiết, trang sức bằng bạc. Đây chính là linh hồn của bộ trang phục truyền thống phụ nữ dân tộc Dao đỏ. Theo quan niệm của đồng bào, quần áo được trang trí bằng hoa bạc và những món trang sức như vòng bạc, không chỉ để làm đẹp mà còn giúp để bảo vệ sức khoẻ, thể hiện sự sung túc trong đời sống của mỗi gia đình. Người thợ thủ công khéo tay, giỏi nghề chuyên chế tác, làm ra các sản phẩm trang sức bằng bạc ưng ý để dành cho phái đẹp trang điểm và đính vào áo, quần, khăn, mũ, nhất là các loại trang phục lễ hội.
Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Dao đỏ được trang trí bằng nhiều hoa văn, họa tiết đẹp mắt. Hoa văn được tạo ra từ kỹ thuật thêu tay, chắp ghép, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Những hoa văn mang tính cách điệu cao mô tả cỏ cây, hoa lá, thế giới động vật, những đồ vật do con người sáng tạo ra, mang nhiều ý nghĩa, biểu tượng khác nhau.
Khăn quấn đầu (cà pha) là một bộ phận làm nên nét độc đáo nhất của trang phục Dao đỏ Cao Bằng. Đó là một đoạn vải thổ cẩm dài 8 sải, quấn quanh đầu trông như vành nón. Khăn đội đầu có vẻ giống với khăn xếp của người Kinh nhưng được quấn nhiều lớp tạo nên bề rộng của cạp lên tới 30-40 cm. Khi vấn khăn, người ta dùng vải gấp lại nhiều lần tạo thành nếp gấp theo chiều bé dần tới đỉnh đầu tạo thành một vòng tròn. Vòng ngoài cùng được trang trí hoa văn, kim tuyến sặc rỡ tạo điểm nhấn bắt mắt. Trước khi đội khăn người ta thường vấn tóc cho gọn gàng thành vòng tròn ở đầu để vành khăn có chỗ bám vững chắc đỡ lấy chiếc khăn khỏi bị xô lệch. Cách quấn khăn của người Dao đỏ ở tỉnh Cao Bằng cũng giống với kiểu quấn khăn của người Pà Thẻn ở tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, ở người Pà Thẻn có đôi nét khác biệt là ở hai đầu chiếc khăn, họ trang trí tua vải kéo dài xuống hai bên vai, tạo thêm sự duyên dáng, cân đối cho khuôn mặt người phụ nữ. Lúc không đội khăn, đồng bào thường cuộn lại thành một vòng tròn rồi cất vào hòm để giữ mép vải không bị gấp hay bị lệch.
Trong di sản thời trang dân tộc Dao đỏ tỉnh Cao Bằng, trang phục cô dâu thực sự là một tác phẩm độc đáo của sắc màu, nó thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm truyền thống. Trước giờ đưa dâu, cô dâu mặc trang phục ngày cưới, cổ và tay đeo vòng bạc, trên đầu chùm chiếc khăn đỏ to che kín mặt, đứng trước bàn thờ để thầy làm phép với mong muốn sẽ gặp may mắn, hạnh phúc. Nét đặc biệt trong trang phục của cô dâu là chiếc khăn đỏ lớn trùm đầu có đính nhiều nụ hoa được đan từ len đỏ, cài xen những lắc nhạc đồng. Thắt lưng (xi lơ chin) được thêu thùa công phu với nhiều hoa văn cầu kỳ quấn vòng quanh eo bụng, rủ xuống đằng sau ngang tà áo. Quần (hầu tảo), ống rộng trang trí các ô vuông xanh hoặc đỏ, nâu, trắng. Hoa văn trang trí ở hai ống quần tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ trang phục. Đằng sau lưng khoác vuông vải gắn những bông hoa bạc lấp lánh.
Trang phục dân tộc Dao đỏ ở tỉnh Cao Bằng tạo nên ấn tượng bởi một gam màu nóng, sắc đỏ sáng chói như lửa hồng trên non cao. Những họa tiết hoa văn, phong cách trang phục cùng với sắc màu đặc trưng thể hiện tài năng thêu thùa trang trí của người phụ nữ dân tộc Dao đỏ./.