Sở VHTTDL Tây Ninh kiểm tra công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tại Gò Dầu
Quang cảnh buổi làm việc của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tại huyện Gò Dầu
Ngày 19.11, ông Nguyễn Nam Giang - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh và đoàn công tác có buổi kiểm tra công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Gò Dầu.
Tiếp và làm việc với đoàn kiểm tra có bà Trương Thị Phú - Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cùng lãnh đạo phòng, ban huyện và các xã, thị trấn có quản lý di tích.
Với 8 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 1 di tích cấp Quốc gia và 7 di tích cấp tỉnh, huyện Gò Dầu đã chủ động xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo các di tích theo đúng quy định của pháp luật. Trong năm 2024, huyện thực hiện các công trình bảo tồn tại các di tích như Đình Cẩm An, Đình Trung, Căn cứ Lõm vùng ruột và đặc biệt là công trình trùng tu Di tích Đình Thanh Phước với kinh phí 45 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đến nay, 100% di tích trên địa bàn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm pháp lý và quyền lợi cho công tác bảo vệ.
Huyện Gò Dầu đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm phát huy giá trị các di tích. Việc gắn bảng tóm tắt, bảng nội quy tại các di tích giúp du khách và người dân hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của các công trình này. Các hoạt động tuyên truyền về di tích được thực hiện rộng rãi qua hệ thống truyền thanh, băng rôn. Đặc biệt, huyện Gò Dầu còn tổ chức các hoạt động giới thiệu về di tích cho các đoàn học sinh, thanh thiếu niên, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn di sản.
Khu di tích lịch sử cấp quốc gia "Căn cứ Lõm vùng ruột huyện Gò Dầu"
Di tích Căn cứ Lõm vùng ruột huyện Gò Dầu từ lâu trở thành điểm du lịch tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Huyện đã xây dựng mô hình du lịch gắn với các di tích lịch sử, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, đồng thời phát triển các dịch vụ phục vụ du khách; đồng thời chú trọng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Đờn ca tài tử Nam bộ". Với 35 câu lạc bộ và nhóm hoạt động, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu và hội thi, giữ gìn, phát huy loại hình âm nhạc dân gian này.
Bên cạnh kết quả đạt được, huyện còn gặp một số khó khăn về kinh phí bảo tồn di tích và việc phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Trọng Cầu