Quảng Bình tạo bản sắc cho quà lưu niệm du lịch biểu trưng
Từ chủ yếu kinh doanh sản phẩm OCOP, hải sản, đặc sản Quảng Bình, bắt đầu từ năm 2024, cửa hàng đặc sản Miền Trung - Xứ Quảng (đường Trương Pháp, TP. Đồng Hới) quyết định mở rộng các mặt hàng lưu niệm biểu trưng.
Anh Lưu Chí Kiên, chủ cửa hàng chia sẻ, trước đây, cửa hàng cũng có bán mặt hàng lưu niệm biểu trưng (vỏ ốc, san hô, thuyền lắp ghép từ vỏ ốc, ngao…), nhưng chưa thực sự mang bản sắc riêng của quê hương, tạo sức hút với du khách. Nắm bắt nhu cầu về quà lưu niệm, cửa hàng đã tích cực chọn các mẫu phù hợp về di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh và gửi mẫu cho công ty ở địa phương khác sản xuất. Đây là quá trình khá vất vả, bởi cần chọn lọc kỹ lưỡng, lựa chọn biểu trưng phù hợp để ra thành phẩm cuối cùng. Nhờ đó, sản phẩm hộp gỗ về hang động Quảng Bình mới ra mắt rất được du khách yêu thích, lựa chọn khi ghé cửa hàng. Hộp gỗ được thiết kế gọn nhẹ, dễ mang theo và các chi tiết sắc nét, sinh động, ấn tượng.
Thị trường sản phẩm lưu niệm biểu trưng du lịch trên địa bàn tỉnh có nét khởi sắc.
Anh Lưu Chí Kiên cho biết thêm, sau thử nghiệm bước đầu khá thành công, thời gian tới, cửa hàng sẽ hướng tới các sản phẩm lưu niệm biểu trưng từ mây, tre đan truyền thống. Cửa hàng rất mong muốn được giới thiệu các cơ sở có thể làm quà lưu niệm biểu trưng phù hợp ngay tại Quảng Bình để chủ động hơn trong sản xuất. Ngoài ra, cửa hàng cũng kỳ vọng có được sự kết nối với cơ quan chức năng, doanh nghiệp cùng phân khúc để tăng tính đa dạng, sáng tạo và xây dựng sản phẩm lưu niệm một cách hệ thống, khoa học và có độ nhận diện cao.
Tại cửa hàng Đặc sản miền Trung 868 (đường Trương Pháp, TP. Đồng Hới), chị Nguyễn Thị Hiền Phương (SN 2000, chủ cửa hàng) nắm bắt các xu hướng của khách du lịch trẻ khá nhanh nhạy. Cửa hàng đa dạng các sản phẩm lưu niệm biểu trưng, như: móc khóa có hình ảnh, biểu trưng Quảng Bình (Quảng Bình quan, tượng đài mẹ Suốt, hang Sơn Đoòng…), mô hình về các thắng cảnh, di tích để bàn… Ngoài ra, còn có thêm áo phông in hình thắng cảnh quê hương…
Chị Hiền Phương cho hay, các bạn trẻ rất thích sản phẩm móc khóa, áo phông, nên tiêu thụ tốt. Trong khi đó, khách du lịch trung, cao tuổi lại ưa chuộng các mô hình lưu niệm để bàn. Những sản phẩm này đều do cửa hàng chọn mẫu rồi đặt cho xưởng ở địa phương khác sản xuất. Sắp tới, chị sẽ bổ sung thêm vào “bộ sưu tập” các sản phẩm ly, cốc, sản phẩm mây, tre… có biểu trưng Quảng Bình.
Các cửa hàng phục vụ khách du lịch nỗ lực đổi mới mặt hàng lưu niệm.
Theo chị Hiền Phương, nếu tìm được xưởng sản xuất ngay tại địa phương với giá thành phù hợp thì chắc chắn các sản phẩm sẽ còn đa dạng, phong phú hơn, nhiều ý tưởng sẽ được mạnh dạn thử nghiệm. Bên cạnh đó, cửa hàng cũng mong muốn tăng cường kết nối, liên kết để nâng cao chất lượng mặt hàng lưu niệm du lịch biểu trưng.
Thực tế cho thấy, các mặt hàng lưu niệm biểu trưng hiện tại của Quảng Bình đã khởi sắc hơn so với trước đây, mang bản sắc riêng và một số sản phẩm cho thấy sự độc đáo, riêng có. Tuy nhiên, chủ yếu là sản phẩm đặt hàng từ nơi khác về, mạnh ai nấy làm, chưa có tính hệ thống. Không ít sản phẩm còn na ná giống các sản phẩm ở địa phương khác bởi chỉ thay mỗi tên Quảng Bình trên sản phẩm. Cá biệt có sản phẩm còn mang biểu trưng không hề đặc trưng cho Quảng Bình, như: xích lô có lộng che… Điều này vô hình trung dễ gây hiểu nhầm cho du khách khi thực sự đến khám phá.
Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Bùi Thị Thanh Thúy cho hay, trung tâm luôn tạo mọi điều kiện để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm lưu niệm du lịch đặc trưng của tỉnh, nhất là trong các triển lãm, hội chợ quảng bá du lịch trong và ngoài tỉnh.
Đầu tháng 11 vừa qua, tổ hợp tác (THT) thủ công mỹ nghệ Bảo Ninh (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) được thành lập với mục đích tập hợp những lao động trong địa bàn xã cùng có năng khiếu về nghề thủ công mỹ nghệ, nhiệt tình, tâm huyết. Từ đó, xây dựng các sản phẩm từ tài nguyên bản địa nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống, tạo ra sản phẩm cung cấp cho thị trường du lịch trong, ngoài tỉnh.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Ninh Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, với 10 thành viên, THT tập trung đưa nghề thủ công mỹ nghệ bằng ốc biển trở thành nghề truyền thống của chị em phụ nữ địa phương. THT phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau của tổ viên để sản xuất, chế tác các sản phẩm từ nguyên liệu vỏ ốc biển làm trang sức, tranh trang trí… nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của thị trường trong và ngoài tỉnh, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng.
Kỳ vọng với những THT, cơ sở sản xuất như THT thủ công mỹ nghệ Bảo Ninh sẽ mang lại sự đa dạng hơn cho ngành hàng lưu niệm biểu trưng của du lịch Quảng Bình, vừa góp phần quảng bá ngành nghề địa phương, vừa mang lại sinh kế bền vững cho người dân. Quan trọng hơn, các cửa hàng kinh doanh phục vụ khách du lịch sẽ có nhiều lựa chọn và chủ động hơn trong tìm kiếm sản phẩm phù hợp. Thực tế cho thấy, việc quà lưu niệm du lịch mang tính đặc trưng, đặc sản bản địa, được nâng cấp lên mức tinh xảo và không quá thô sơ, phù hợp với thị hiếu đa dạng của du khách sẽ là thế mạnh của du lịch địa phương.
Mai Nhân