Sôi nổi sự kiện văn hóa đón xuân tại Bắc Giang
Các đại biểu tham quan trưng bày cổ vật, hiện vật tiêu biểu thời Lý-Trần. Ảnh: Thu Thủy
Tại xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang diễn ra Lễ hội mở cửa rừng, tri ân công đức Bà chúa Then; tại xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn diễn ra Lễ hội hát Sloong hao và phiên chợ Xuân vùng cao.
Khai mạc trưng bày chuyên đề “Cổ vật tiêu biểu thời Lý-Trần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”, “Thơ văn Lý-Trần qua thư pháp”, sản phẩm du lịch “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”.
Cùng đó, sự kiện trưng bày hệ thống một số di tích lịch sử tiêu biểu bên sườn Tây Yên Tử, nằm trên 8 tuyến điểm du lịch phục dựng "Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử". Trưng bày tư liệu những dấu ấn về Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử còn lưu lại ở các văn bia, di vật được phát hiện qua khai quật khảo cổ học tại các di tích như: chùa Vĩnh Nghiêm; hệ thống các chùa Yên Mã, chùa Hòn Tháp, chùa Bình Long, chùa Hồ Bấc, chùa Đám Trì...
Người dân tham quan các gian trưng bày cổ vật. Ảnh: Thu Thủy
Khai mạc gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, tiềm năng của các địa phương có gần 400 sản phẩm OCOP, đặc trưng, tiêu biểu của các địa phương được giới thiệu, trưng bày tại 16 gian hàng của các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, một số địa bàn giáp ranh với Sơn Động như: huyện Ba Chẽ, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh); huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).
Nhiều sản phẩm tiêu biểu như: vải thiều sấy khô, mỳ gạo Chũ (Lục Ngạn); nông sản sạch sấy khô Như Hoa (Việt Yên); mật ong Tây Yên Tử, khâu nhục, thịt kho tầu xì Yên Định, miến dong, nem riềng An Bá (Sơn Động); trà hoa vàng, tinh dầu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ (Lục Nam), bánh đa Kế, bún khô Đa Mai (thành phố Bắc Giang), ớt chuông Mỹ Thái, nấm sò Tân Thanh (Lạng Giang)… thu hút đông đảo khách đến tham quan, mua sắm.
Đại biểu tham quan, tìm hiểu các sản phẩm OCOP, đặc trưng của huyện Sơn Động. Ảnh: Mai Toan
Lễ hội mở cửa rừng, tri ân công đức Bà chúa Then là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống, lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, gắn với tục thờ Mẹ rừng của người Tày, người Nùng cư trú tại tỉnh Bắc Giang. Vào dịp đầu xuân năm mới, bà chúa Then thường ban phát cho nhân dân lộc rừng, đó là các sản vật nông nghiệp, hoa quả để nhân dân cấy lúa, gieo trồng.
Tại lễ hội diễn ra các nghi lễ cúng Thần rừng, rước kiệu đón Bà chúa Then, nghi lễ Mở cửa rừng, nghi lễ của các làng bản người Tày, người Nùng dâng lễ tạ ơn Bà chúa Then.
Hoạt cảnh ca ngợi công đức Bà chúa Then tại lễ hội.
Lễ hội hát Sloong hao và phiên chợ Xuân vùng cao Tân Sơn huyện Lục Ngạn là điểm hẹn truyền thống của nhân dân về giao lưu hát dân ca, giao duyên, đối đáp, hát Sloong hao, Sli, Lượn để hẹn hò, vui chơi đầu xuân.
Trẩy hội Phiên chợ vùng cao Tân Sơn. Ảnh: Thế Đại
Phiên chợ vùng cao Tân Sơn, Phong Vân từ lâu được người dân quen gọi là “chợ tình”, là nguồn gốc của tên gọi “Chợ tình Tân Sơn” được lưu truyền đến ngày nay. Với nét đẹp riêng có, chợ tình Tân Sơn thu hút ngày càng đông đảo nhân dân các dân tộc, bạn bè, du khách khắp nơi về tham quan, giao lưu, trẩy hội.
Đặng Quang