Sơn La: giữ bản sắc từ những lời ca, điệu múa
Nền tảng phát triển phong trào cơ sở
Nhằm nâng cao chất lượng biểu diễn và phát huy vai trò hạt nhân của các đội văn nghệ cơ sở, hằng năm, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Sơn La tổ chức từ 6 đến 7 lớp tập huấn chuyên sâu, mỗi lớp kéo dài khoảng 10 ngày. Các học viên tham gia là những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu đến từ các xã, bản, được hướng dẫn kỹ năng múa, hát, diễn tấu nhạc cụ dân tộc và tổ chức chương trình biểu diễn bởi các nghệ sĩ, biên đạo giàu kinh nghiệm.
Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 100 học viên từ các xã Chiềng Mai, Mường La, Bắc Yên tham gia tập huấn. Trong tháng 7/2025, Trung tâm tiếp tục tổ chức lớp tại xã Mường Bang. Nghệ sĩ Ưu tú Lò Hải Lam, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa chia sẻ: “Chúng tôi luôn khảo sát thực tế, tìm hiểu phong tục, đời sống và tín ngưỡng bản địa để xây dựng nội dung tập huấn sát thực, mang tính đặc thù của từng cộng đồng dân cư.”
Tại bản Co Lóng, xã Vân Hồ, đội văn nghệ quần chúng với hơn 30 thành viên hiện là một trong những điểm sáng trong phong trào văn nghệ cơ sở. Đầu năm nay, đội đã được tập huấn và hỗ trợ dàn dựng chương trình nghệ thuật đặc sắc, gồm các tiết mục hát, múa và diễn tấu nhạc cụ mang đậm sắc màu văn hóa dân tộc Mông.
Ông Giàng A Đùa, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Co Lóng cho biết: “Trước đây, đội chủ yếu tự học qua mạng, sử dụng nhạc nền có sẵn nên chất lượng chưa cao. Từ khi được tập huấn bài bản, chúng tôi đã xây dựng được nhiều tiết mục đặc sắc hơn, khơi dậy niềm tự hào trong cộng đồng, đặc biệt là với thế hệ trẻ.”
Để nâng cao chất lượng biểu diễn, Ban quản lý bản Co Lóng đã chủ động trích kinh phí mua sắm thiết bị âm thanh, trang phục, đạo cụ… Qua đó, không chỉ phục vụ biểu diễn tại bản mà còn góp phần quảng bá văn hóa địa phương trong các sự kiện văn hóa lớn của huyện, tỉnh.
Thành viên đội văn nghệ bản Co Lóng, xã Vân Hồ, tập luyện biểu diễn múa khèn Mông. Ảnh: BSL
Giữ hồn văn hóa
Tại phường Chiềng An, nơi có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Thái, các làn điệu dân ca truyền thống như “Khắp xừ”, “Khắp báo sào”, “Khắp long tông”... vẫn luôn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Những lời ca, tiếng hát phản ánh chân thực đời sống, phong tục, tình yêu đôi lứa, gắn bó mật thiết với người Thái từ thuở khai bản lập mường.
Nhằm giữ gìn những giá trị đặc sắc này, từ năm 2020, Câu lạc bộ Hát Thái tại tổ 3, phường Chiềng An đã được thành lập, thu hút hơn 85 thành viên ở nhiều độ tuổi tham gia. Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Mai (tổ 4, phường Chiềng An) chia sẻ: “Khắp báo sào – hát giao duyên – là làn điệu được yêu thích nhất, thường cất lên trong dịp lễ Tết, cưới hỏi. Lời ca mộc mạc, đậm tình quê hương, khi hòa cùng tiếng pí pặp, đàn nhị tạo nên giai điệu sâu lắng, da diết.”
Các nghệ nhân như ông Mai chính là những “báu vật sống”, giữ vai trò quan trọng trong việc truyền dạy và truyền cảm hứng cho thế hệ kế cận.
Cùng với đó, Đảng ủy, chính quyền phường Chiềng An cũng luôn quan tâm đầu tư cho hoạt động văn hóa văn nghệ. Toàn phường hiện có 17 CLB văn hóa dân tộc Thái, với hơn 1.000 hội viên tích cực luyện tập và biểu diễn các tiết mục truyền thống.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Sơn La, bà Lò Thị Bích Thủy khẳng định: “Việc tổ chức tập huấn không chỉ đơn thuần là đào tạo chuyên môn, mà còn là cách tiếp lửa đam mê, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Qua từng lớp tập huấn, chúng tôi nhận thấy các hạt nhân văn nghệ ngày càng trưởng thành, tự tin và sáng tạo hơn.”
Trong bối cảnh hiện đại hóa ngày càng lan rộng, việc khơi dậy và nuôi dưỡng phong trào văn nghệ quần chúng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa. Những điệu múa, làn điệu dân ca, tiếng khèn, tiếng trống… vang lên trong mỗi buổi sinh hoạt cộng đồng không chỉ là hoạt động giải trí, mà còn là biểu hiện sinh động của lòng tự hào dân tộc, kết nối thế hệ hôm nay với cội nguồn.
Với sự đầu tư bài bản, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và sự hưởng ứng tích cực từ nhân dân, phong trào văn nghệ quần chúng tại Sơn La đang khẳng định là nền tảng vững chắc để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làm giàu đời sống tinh thần của cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày càng phát triển bền vững.
Hiền Lương