Sức sống lâu bền của văn hóa
Địa chỉ sưu tập này cũng làm lễ ra mắt mang tên Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (từ 2017) tại Từ Sơn (Bắc Ninh). Bảo tàng hiện đang lưu giữ khoảng 5.000 hiện vật có giá trị về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử; chia thành sáu bộ sưu tập gồm: Bộ sưu tập đồ đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn; Bộ gốm Việt Nam qua các thời kỳ như thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn...; Bộ đồ sứ (bát, đĩa, ấm chén, khay đựng đồ, chum, thống)...; Và các bộ đồ gỗ dùng của các gia đình vua chúa, quan lại, địa chủ thời phong kiến của Việt Nam.
Còn trong TP Hồ Chí Minh, cùng trong ngày 25/2 vừa qua, đã khai mạc Lễ hội Việt-Nhật lần thứ 8 ở Việt Nam tại Công viên 23/9 (Quận 1) với chủ đề “Cùng nắm chặt tay, hướng tới tương lai, vươn ra thế giới”. Lễ hội năm nay được tổ chức sau thời gian thử thách do dịch bệnh với những khó khăn về tình hình kinh tế, xã hội của cả hai nước. Do đó, lễ hội không chỉ có ý nghĩa giao lưu văn hóa và hợp tác song phương mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Cũng nhân dịp này TP Hồ Chí Minh hướng tới phát triển văn hóa đọc, công cuộc đã được triển khai hiệu quả trong hơn 7 năm qua, được đánh giá là “điểm sáng” của cả nước. Từ những hiệu quả đã có, thành phố đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy, để hướng tới mục tiêu đăng ký danh hiệu: Thủ đô sách Thế giới. Từ 2016, đến nay Đường sách TP Hồ Chí Minh đã đón khoảng 16 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt gần 257 tỷ đồng. Tại đây cũng diễn ra hàng trăm hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị-văn hóa-xã hội, đặc biệt là các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc nước nhà qua việc đọc. Niềm tự hào của Đường sách là năm 2022 đạt gần 3 triệu lượt người, tăng 87,5% so năm 2021, lượng khách này tương ứng năm 2019 trước khi có dịch Covid-19. Trong số đó, du khách quốc tế chiếm hơn 30%. Cũng trong năm 2022, ở đây còn diễn ra hơn 400 hoạt động, sự kiện phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, nhất là những hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Lâm An