Tin tức - Sự kiện

Tái cơ cấu toàn diện để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 03/08/2022 11:52:54
Số lần đọc: 1029
Chiều 02/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt đại biểu Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch thuộc Viện Kinh tế, Văn hóa - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi gặp mặt

Phát biểu tại cuộc làm việc, nguyên Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trước đây là Bộ Văn hóa Thông tin) Phan Khắc Hải đại diện cho ngành du lịch hoài niệm chiến trường xưa, cho rằng việc tổ chức du lịch tới nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích lịch sử ghi dấu chiến trường xưa là một cách rất hiệu quả để thế hệ trẻ hiểu rõ, để có được cuộc sống như hôm nay đã có rất nhiều sự hy sinh của các thế hệ cha ông.

“Chúng tôi mong các cháu được đến tận nơi để nghe, để học về truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc. Không có gì gây xúc động bằng trực quan, các cháu được nghe chính những người đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu nói về chiến trường ngày xưa”, ông Phan Khắc Hải nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương cho rằng, các di tích lịch sử ở 6 tỉnh thuộc Chiến khu Việt Bắc xưa là những địa chỉ đỏ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ.

Thực tế, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã có sự quan tâm, tôn tạo các di tích. Tiềm năng du lịch về lịch sử là rất lớn. Tuy nhiên, sự quan tâm đầu tư, chú trọng khai thác du lịch lịch sử, du lịch về nguồn, du lịch hoài niệm chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng.

Các tỉnh mong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm đầu tư hơn nữa cho các khu di tích phục vụ phát triển du lịch đến các khu di tích, qua đó tuyên truyền các thế hệ sau về truyền thống cách mạng; có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào các khu di tích này.

Viện trưởng Viện Kinh tế, Văn hóa Nguyễn Quốc Hưng báo cáo tại buổi tiếp

Các đại biểu phát biểu ý kiến bày tỏ mong muốn Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn nữa công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, trong đó có các khu di tích ở 6 tỉnh thuộc Chiến khu Việt Bắc; liên kết vùng để phát triển du lịch văn hóa lịch sử; làm tốt công tác quy hoạch phục vụ phát triển du lịch ở các tỉnh thuộc Chiến khu Việt Bắc…

Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc tổ chức hội thảo chuyên đề phát triển du lịch 6 tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc, sáng 02/8; đồng tình với chủ đề của cuộc hội thảo du lịch Việt Nam phải phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dịch Covid-19 dù gây thiệt hại nặng nề nhưng sau dịch cũng là cơ hội lớn để Việt Nam tái cơ cấu toàn diện ngành du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị và Luật Du lịch năm 2017.

“Tái cơ cấu lần này, chúng ta phải tái cơ cấu toàn diện cả về môi trường du lịch; hạ tầng du lịch, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, trong đó hạ tầng mềm là khuôn khổ cơ chế, chính sách; doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Quang cảnh buổi gặp mặt tại Nhà Quốc hội

Theo Chủ tịch Quốc hội, từ nhận thức du lịch như một hoạt động vui chơi giải trí trong Luật Du lịch trước đây đến nhận thức du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang đậm giá trị văn hóa, liên kết ngành, liên kết vùng và đến du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn là một bước tiến dài. Đã là ngành kinh tế thì phải vận hành trên cơ sở nguyên tắc và quy luật của thị trường.

Trên thế giới, năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19, du lịch đóng góp khoảng 10,4% GDP và 10,6% việc làm toàn cầu. Ở nước ta, năm 2019, doanh thu từ ngành du lịch đạt 32,8 tỷ USD, đóng góp 9,2% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra 2,5 triệu việc làm.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí với ý kiến của các đại biểu rằng du lịch là một chuỗi liên kết giữa các ngành, các vùng. Giá trị văn hóa, lịch sử Việt Nam là một nguồn tài nguyên vô cùng đồ sộ và phong phú.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Trong tái cấu trúc, phát triển ngành du lịch phải gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng, trong đó sản phẩm du lịch hoài niệm chiến trường xưa là một tài nguyên du lịch quý giá. Việc phát triển du lịch cũng cần gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia.

Các đại biểu dự buổi tiếp

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trên cơ sở kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Nhà nước đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng một chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, trong đó có nội dung bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong các thành viên Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch cũng như Viện Kinh tế, Văn hóa góp phần cùng Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực du lịch.

“Gói chính sách đã ban hành, nhưng tổ chức thực thi, triển khai như thế nào, nhất là bài toán trong ngành du lịch là rất quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội mong nhận được sự đóng góp ý kiến của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Viện Kinh tế, Văn hóa; các thành viên Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch thường xuyên góp ý để hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như các quyết sách của Quốc hội.

Tin: Văn Chúc; Ảnh: Duy Linh

Nguồn: Báo Nhân Dân - nhandan.vn - Đăng ngày 02/8/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT