Tam Kỳ (Quảng Nam) bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
TP.Tam Kỳ tổ chức trao Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2019 tại Văn thánh Khổng miếu. Ảnh: A.N
Tam Kỳ là vùng đất có bề dày văn hóa, với nhiều di tích lịch sử. Trên mảnh đất Hà Đông này có địa đạo Kỳ Anh với chiều dài 32km - di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia và là một trong 3 địa đạo lớn nhất cả nước; di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Văn thánh Khổng miếu. Nơi đây còn có Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng - công trình văn hóa quốc gia “có một không hai” trên cả nước và trở thành điểm đến của nhiều du khách.
Toàn thành phố còn có 21 di tích cấp tỉnh, trong đó ngoài 2 di tích kiến trúc nghệ thuật là đình làng Mỹ Thạch và đình làng Phương Hòa thì 19 di tích còn lại đều là di tích lịch sử, cách mạng, như các khu mộ của sĩ phu yêu nước, phủ đường Tam Kỳ, Chi bộ Đồng, bãi Sậy sông Đầm…
Thời gian qua, bên cạnh nguồn hỗ trợ của tỉnh, TP.Tam Kỳ cũng đã ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư trùng tu, tôn tạo để vừa bảo tồn, làm “sống” lại các di tích, vừa góp phần phát triển du lịch.
Được xây dựng trong giai đoạn năm 1965 - 1967, địa đạo Kỳ Anh là biểu tượng về tinh thần và ý chí sáng tạo, kiên cường của quân và dân Tam Kỳ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành độc lập dân tộc. Năm 2017 nhân dịp Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI được tổ chức, sản phẩm du lịch “Địa đạo Kỳ Anh” chính thức khai trương, đưa khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia này đến với du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, nơi đây còn diễn ra các buổi sinh hoạt truyền thống, kết nạp đội viên, đoàn viên của học sinh, sinh viên của thành phố và tỉnh.
Năm 2012, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Văn thánh Khổng miếu cũng được trùng tu, tôn tạo, trở thành một trọng điểm văn hóa du lịch của Tam Kỳ. Ngoài phục vụ tham quan, đây còn là nơi thành phố tổ chức các sự kiện văn hóa, giáo dục như đêm thơ nguyên tiêu, lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh, ngày hội cờ làng.
Không chỉ 2 di tích quốc gia, các di tích cấp tỉnh trên địa bàn Tam Kỳ trong những năm qua cũng được địa phương quan tâm trùng tu, chống xuống cấp như các khu mộ sĩ phu yêu nước Lê Tấn Trung, Lê Văn Long, đình làng Hương Trà, Thạch Tân, Chi bộ Đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP.Tam Kỳ, chính nhờ sự đầu tư tôn tạo cùng với việc đưa các di tích vào trong đề án phát triển du lịch thành phố đã giúp di tích vừa có điều kiện được bảo tồn, vừa phát huy giá trị văn hóa, lịch sử. Định hướng trong thời gian tới của thành phố là tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, gắn với phát triển du lịch, du lịch cộng đồng. Địa phương quan tâm cùng với sự hỗ trợ nguồn lực của tỉnh, tập trung đầu tư bảo tồn các di tích, nhất là các di tích lịch sử cách mạng như địa đạo Kỳ Anh, địa đạo Ngọc Mỹ, khu vườn Miếu Mân Thái, bãi Sậy sông Đầm./.
AN NHI