Hoạt động của ngành

Tân Yên (Bắc Giang): Phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 02/07/2020 08:10:16
Số lần đọc: 1426
Huyện Tân Yên (Bắc Giang) có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng, là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Với những lợi thế đó, huyện đã và đang tập trung nguồn lực phát huy giá trị di sản, thúc đẩy phát triển du lịch.

Trò chơi móc cầu tại lễ hội Bảo Lộc Sơn, xã Việt Lập (Tân Yên). Ảnh: Thu Vân

Nhiều tiềm năng

Xã Liên Chung và Việt Lập có thắng cảnh núi Dành diện tích 105 ha, gồm hệ thống các công trình kiến trúc: Đền Trình, đền Thượng, đền Hạ, bao quanh là rừng thông. Đây là điểm sáng trong bức tranh phát triển du lịch của huyện. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đền Dành, núi Dành là trạm tiền tiêu bộ đội đóng quân, nhiều trận bắn phá ác liệt diễn ra tại đây. 

Lễ hội đền Dành được tổ chức vào ngày 19, 20 tháng Giêng hằng năm với nghi lễ rước thần từ đình Vường lên đền Dành (xã Liên Chung). Năm 2006, đền Dành được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đền Thượng nằm trong quần thể được đầu tư xây mới, trị giá hơn 5,2 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Tổng diện tích công trình gần 600m2 (gấp 4 lần so với trước). 

Với lợi thế về phong cảnh được thiên nhiên ưu đãi, vài năm gần đây, nhiều đoàn khách ở ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm, nhất là dịp đầu xuân và ngày nghỉ. Ông Nguyễn Tiến Khương, Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho biết, cùng với đền Dành, đối với đình Vường-di tích cấp quốc gia được nhà nước xếp hạng cũng là nơi có thể đón khách tham quan nếu di tích được đầu tư tu bổ, nâng cấp. Tại xã Liên Chung, từ bao đời nay vẫn duy trì trình diễn hát ví, hát ống-một di sản phi vật thể quý còn lưu truyền. 

Hiện Câu lạc bộ hát ví, hát ống của xã có 31 thành viên thường xuyên duy trì hoạt động. Đến đây, du khách còn được thưởng thức các sản vật của địa phương, như: Sâm Nam núi Dành-loại sâm quý tiến vua dưới triều Nguyễn. Ngoài ra, còn có đặc sản nem nướng, hành tía… được nhiều du khách biết đến.

Cùng đó, huyện Tân Yên còn có nhiều thắng cảnh khác, như núi Đót, xã Phúc Sơn, hồ đá Ong, xã Lan Giới cùng hệ thống di tích lịch sử - văn hóa dày đặc với 429 di tích các loại; trong đó có 95 di tích được xếp hạng, 12 di tích lịch sử, văn hóa nằm trong cụm di tích quốc gia đặc biệt liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế, 5 di tích cấp quốc gia và nhiều di tích có kiến trúc cổ, độc đáo mang giá trị mỹ thuật cao như: đình Vường, xã Liên Chung; lăng Phục Chân Đường, xã Việt Lập; đình Cao Thượng, thị trấn Cao Thượng; chùa Kim Tràng, xã Việt Lập. Hằng năm, trên địa bàn huyện có khoảng 190 lễ hội thôn làng, xã, trong đó có các lễ hội trọng điểm của huyện là: đình Hả, xã Tân Trung; đình Vồng, xã Song Vân; đền Trũng, xã Ngọc Châu...

Huy động nguồn lực

Để phát huy giá trị của các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, UBND huyện Tân Yên chủ trương phát triển KT-XH gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. Giai đoạn 2016-2020, toàn huyện tu sửa 32 di tích với tổng kinh phí đầu tư gần 30 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. UBND huyện chỉ đạo xã Liên Chung tiến hành trùng tu đền Dành, đưa địa điểm này trở thành khu du lịch trọng điểm của huyện.

Nhằm tạo sự liên kết giữa các điểm du lịch, UBND huyện phối hợp với Công an tỉnh, các ngành chức năng tham mưu với Bộ Công an hoàn thành xây dựng Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân tại thị trấn Nhã Nam với tổng số tiền đầu tư gần 100 tỷ đồng. Hiện nay, nơi đây trở thành địa chỉ du lịch về nguồn đối với thế hệ trẻ, nhất là lực lượng công an. Huyện xây dựng một số tuyến theo hướng du lịch tâm linh, sinh thái; lịch sử, văn hóa liên kết với các huyện Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang.

Tuy có nhiều tiềm năng song sản phẩm du lịch tại các di tích trên địa bàn huyện còn đơn điệu; hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Quy mô của các di tích nhỏ, nằm rải rác ở các xã. Những điểm di tích gắn với phát triển du lịch của huyện hầu hết chưa được quy hoạch cụ thể, chi tiết; nhiều di tích bị mai một...

Ông Nguyễn Quang Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, huyện đang tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá; lập quy hoạch bảo đảm kết nối du lịch. Tập trung xây dựng một số công trình trọng điểm như: Đồi Văn hóa kháng chiến, đền Dành, quy hoạch chi tiết chùa Tứ Giáp, xây dựng tượng đài Lương Văn Nắm.

Mặt khác, UBND huyện tích cực mời gọi đầu tư, huy động nguồn vốn cho các dự án phát triển du lịch tại địa phương; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch; khôi phục và duy trì các hoạt động biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian trong lễ hội; định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ truyền thống.

Công Tuấn

Nguồn: baobacgiang.com.vn

Cùng chuyên mục