Hành trang lữ khách

Tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch

Cập nhật: 13/07/2022 06:56:10
Số lần đọc: 647
Nhà thơ trẻ Kiều Maily (tên thật là Kiều Thị Hồng Vân) là một cô gái trẻ xinh đẹp người dân tộc Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận là người sở hữu “talkshow” văn hóa đặc trưng này. Champa Amaravati house (Ốc đảo Chăm) được thiết kế như một bảo tàng nhỏ với nhiều loại nhạc cụ truyền thống, những bộ trang phục, những hiện vật gia dụng, những hình ảnh tiêu biểu về các lễ hội quan trọng trong đời sống của người Chăm.


Du khách tham quan chụp hình tại “Ốc đảo Chăm” của Kiều Maily.

1/Tôi vừa trở về từ phố cổ Hội An, thành phố xinh đẹp nổi tiếng nằm bên dòng sông Thu Bồn. Hội An đã có quá nhiều mỹ từ miêu tả, Hội An đã đi vào văn chương, sách ảnh, báo chí không chỉ bởi sự duyên dáng, trầm tích của một con phố khi những hàng gạch mái ngói nghiêng nghiêng đều là tầng tầng lớp lớp xếp chồng của lịch sử. Vậy nên Hội An luôn là điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Vậy Hội An ngoài phố cổ, dòng sông, đèn lồng, ẩm thực thì còn một “talkshow văn hóa” mà tôi nghĩ có thể áp dụng được cho du lịch cộng đồng ở những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Căn nhà lợp lá dừa ở xã Cẩm Thanh, sát bên khu du lịch rừng dừa Bảy Mẫu cách trung tâm Hội An hơn 3km. Nhà lát gạch, xây bằng gạch thô không tô trát, song cửa bằng tre, nép mình dưới những bóng cây cổ thụ. Bên trái của ngôi nhà là rặng dừa nước. Đó là nơi sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ bằng tre rất đẹp mắt. Trong ngôi nhà ấy, Maily đã trang trí căn nhà của mình theo cách Chăm nhất... Có thạp nước, bàn ghế mây tre đặt ở hiên trước nhà, đồ dùng bằng gốm được mang ra từ làng gốm Bàu Trúc, làng nghề dệt Mỹ Nghiệp nơi quê hương cô. Những bộ ấm chén, bát đũa đều nhuốm màu thời gian trên từng thớ đất nung cháy. Hai chiếc trống

Ghi-năng hình trụ trang trí được xếp ngay lối trang trọng ở nhà. Trên chiếc kệ bằng tre, cô bày những vật dụng phổ biến, đối diện đó là chiếc bàn nhỏ để du khách ngồi trên nệm thưởng trà trong không gian thoang thoảng mùi quế.

Với không gian đó, mỗi lần đón khách, Maily sẽ chuẩn bị tất cả từ đồ ăn, thức uống, tiếng hát, điệu múa giai điệu ca từ đặc trưng của dân tộc Chăm để giới thiệu cùng du khách. Mỗi “talkshow” ngắn thì 90 phút, dài nhất là 2 tiếng rưỡi. Chi phí cho mỗi mini tour cho đoàn 1-2 khách là 50 USD/người. Thường tối đa mỗi đoàn không quá 8 người và chi phí sẽ giảm dần còn khoảng 20 USD/khách.

Khi du khách đến, Maily sẽ giao tiếp với họ bằng tiếng Anh, kể cho họ câu chuyện về ẩm thực khi họ dùng món ăn từ tay mình chuẩn bị với những gia vị đặc trưng của người Chăm, một dân tộc sở hữu kho thuốc nam phong phú trong đại gia đình dân tộc Việt. Cô sẽ biểu diễn dân ca, múa những làn điệu đặc biệt của dân tộc mình, nói chuyện, giao lưu với khách. Cô chỉ phục vụ những thứ mình sở hữu, mình đang có. Với việc tiếp cận khách thông qua các tour, các công ty du lịch, mô hình của Kiều Maily thường phải đặt trước mới có suất phục vụ. Du khách tìm đến với tour trải nghiệm của Maily chủ yếu là khách nước ngoài.

2/Khi đến Hội An, ngồi trong căn nhà mát rượi hướng ra phía rặng dừa, tôi nghĩ đến câu chuyện “talkshow” văn hóa của vùng đất nơi mình đang sống. Gia Lai ngoài sở hữu những cảnh quan đẹp thì việc có 46,22% người dân tộc thiểu số sinh sống cũng là kho tàng, mỏ vàng của du lịch nếu được khai thác đúng cách.

Tôi có hỏi Maily, những cái này đầu tư ban đầu có nhiều không? Cô cười, “đâu có, chỉ có mấy triệu đồng mà, nhưng mình có học, có đọc về văn hóa, với lại mình là người Chăm, yêu văn hóa Chăm nên cũng dễ làm”, Maily duyên dáng trả lời.

Tôi nhớ đến rất nhiều bạn trẻ người BaNa, Jrai cũng đang dựng nhà sàn, nấu các món truyền thống, đàn hát để phục vụ du khách. Nhưng cái thiếu đó là câu chuyện về văn hóa đằng sau món ăn, ghè rượu, chiếc gùi, sản vật… của vùng đất mình đang sống. Maily nói với tôi, câu chuyện của dân tộc mình có sẵn mình chỉ kể thôi. Mình chọn lối sống tối giản, thuần tự nhiên như cha ông mình từng sống và cũng kể với du khách như vậy nên họ rất thích…

Thông thường tôi đi đến vùng đất nào đó, muốn trở lại ngoài yếu tố nó khác biệt với vùng mình đang sống thì nó còn có khả năng sáng tạo, làm mới mình. Và điều đặc biệt là câu chuyện đằng sau nó cần khai thác theo hướng chiều sâu mà những câu chuyện về văn hóa luôn có sức hấp dẫn, lôi cuốn du khách, đặc biệt là những du khách tò mò, ưa tìm hiểu, khám phá văn hóa. Theo tôi nghĩ, du lịch thành công không phải là có đông người tìm đến mà chất lượng du khách mới là điều đáng bàn. Tôi vẫn mong những vùng đất giàu văn hóa sẽ đón những người quan tâm đến văn hóa, khát khao tìm hiểu văn hóa và đắm chìm trong văn hóa khi đến tham quan, trải nghiệm.

Có thể thiết kế một “talkshow mini” đậm chất văn hóa để phục vụ du khách trong thời gian sớm nhất mà đôi khi với những người Jrai, Ba Na với tố chất nghệ sĩ trong máu, họ không cần đạo diễn hay kịch bản. Từ cơm lam, gà nướng, rượu ghè, thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, dân ca, sử thi… tất cả những thứ ấy đều là một kho chuyện để kể. Ngoài ra, nên có sự hợp tác, hỗ trợ và nhân rộng mô hình của các cơ quan quản lý, có các nhà nghiên cứu văn hóa, các trung tâm quảng bá xúc tiến du lịch. Mong rằng sẽ có những người trẻ thuộc thế hệ mới có cách ứng dụng “khởi nghiệp” thành công cho sản phẩm du lịch của tỉnh mình.

Tạ Ngọc Diệp

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn -Ngày đăng 13/7/2022

Cùng chuyên mục