Tập trung quyết liệt để hoàn thành mục tiêu đưa du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Quân
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình hành động số 06-CTr/TU, trong vài năm gần đây, du lịch Bình Định có sự chuyển mình, lượng khách đến tham quan, du lịch nhiều hơn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phát triển mạnh về số lượng. Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động du lịch vẫn còn nhiều yếu tố tự phát, chưa chuyên nghiệp, vẫn còn nhiều hạn chế như: Đầu tư phát triển du lịch chủ yếu tập trung vào lĩnh vực lưu trú, chưa tham gia nhiều vào lĩnh vực dịch vụ vui chơi giải trí và một số dịch vụ khác để đáp ứng nhu cầu ăn uống, quà lưu niệm, vui chơi giải trí về đêm cho du khách. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch đóng cửa, hướng dẫn viên du lịch, người lao động phải nghỉ việc, chuyển sang ngành nghề khác, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực phục vụ khi ngành du lịch hoạt động trở lại, đặc biệt là nhân viên có chuyên môn, được đào tạo về du lịch.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm di tích văn hóa, tham quan còn hạn chế so với nhu cầu. Các DN du lịch hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa có sự phối hợp liên kết, chưa thực sự có chiến lược đầu tư, phát huy tiềm năng sản phẩm du lịch và đóng góp nguồn lực xã hội hóa cho phát triển du lịch của tỉnh. Việc tuyên truyền về ý thức trong kinh doanh cho người dân còn hạn chế; thế mạnh về văn hóa chưa phát triển thành sản phẩm du lịch; chưa có các điểm vui chơi giải trí, nơi mua sắm cao cấp để phục vụ du khách; nguồn nhân lực phục vụ du lịch có tăng nhưng còn thấp và chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban chỉ đạo và đại diện các sở, ngành đã cùng phân tích, đánh giá các nguyên nhân khiến du lịch Bình Định chưa phát triển như kỳ vọng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển quy củ, mạnh mẽ hơn, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, sở, ngành, địa phương. Trong đó, TP Quy Nhơn phải hoàn thiện quy hoạch hạ tầng tại xã Nhơn Châu, xây dựng biểu tượng cho xã đảo; phát triển du lịch cộng đồng tại Lý Lương (xã Nhơn Lý), Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng)…; khảo sát, triển khai điểm vui chơi giải trí về đêm tại TP Quy Nhơn. Sở Xây dựng đảm bảo công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng đường xuống vũng Đông (xã Nhơn Châu). Ban cán sự đảng UBND tỉnh lập đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc xã hội hóa công tác quản lý, khai thác phục vụ du lịch đối với các di tích Tháp Đôi, Tháp Bánh Ít. Sở VH&TT xúc tiến thủ tục xây dựng mới Bảo tàng tỉnh, nghiên cứu khôi phục các lễ hội theo hướng sinh động hơn, tổ chức các hoạt động thể thao trên biển. Đặc biệt, Sở KH&CN lên kế hoạch mở cửa Trung tâm Khám phá khoa học thêm vào ban đêm để phục vụ du khách. Về phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, Sở Xây dựng quy hoạch khu La Vuông (Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn) để kêu gọi nhà đầu tư…
Đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: “Đề nghị mỗi thành viên Ban chỉ đạo nâng cao ý thức trách nhiệm, cần suy nghĩ để làm tốt các phần việc được giao trong thẩm quyền của mình. Phải theo sát các dự án, nhà đầu tư để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đôn đốc thực hiện dự án đúng tiến độ. Bên cạnh đó, xử lý, thậm chí thu hồi các dự án chậm triển khai để giao cho nhà đầu tư khác. Ngành Du lịch phải xây dựng được các sản phẩm mới, đặc trưng để thu hút khách. Thời gian đến, tư duy, nhận thức của cả cán bộ và người dân đều phải thay đổi, làm sao để khách đến hài lòng, cảm thấy thân thiện, không có tình trạng chèo kéo, không ảnh hưởng xấu đến du khách”.
Hoàng Quân