Tin tức - Sự kiện

Thách thức và giải pháp thúc đẩy hoạt động lữ hành trong bối cảnh mới

Cập nhật: 28/01/2022 13:54:28
Số lần đọc: 787
Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Nghị quyết 155/NQ-CP yêu cầu tiếp tục thúc đẩy các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế gắn với an toàn dịch bệnh, ngành du lịch đã chuẩn bị từ sớm, từ xa các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình phục hồi và phát triển của ngành du lịch trong bối cảnh mới không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của doanh nghiệp lữ hành và hoạt động lữ hành.  

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Hoạt động lữ hành sau thời gian bị tác động bởi đại dịch COVID-19

Số doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm khoảng 35% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, cả nước hiện có 2.964 doanh nghiệp lữ hành (gồm 2.111 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 853 doanh nghiệp lữ hành nội địa), trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch - lĩnh vực chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành Du lịch cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.

Hoạt động lữ hành nội địa: Thời gian qua, ngành Du lịch đã có những chuyển hướng kịp thời, tập trung kích cầu thị trường khách du lịch nội địa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL ngày 8/9/2021 nhằm định hướng các địa phương triển khai các biện pháp, chính sách khôi phục các hoạt động du lịch lữ hành những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Ngày 18/10/2021, Bộ VHTTDL đã ban hành Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP và Chương trình 4698/BVHTTDL-TCDL phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ngày 16/12/2021.

Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, ngành Du lịch tiếp tục phát động chiến dịch quảng bá du lịch với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” sau thành công của Chương trình kích cầu được phát động từ đầu năm 2021 ở quy mô toàn quốc với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam - an toàn, hấp dẫn”. Chương trình du lịch nội địa được triển khai theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa, mở rộng phạm vi cả nước từ cuối năm 2021, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của người dân; giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng chống dịch, khôi phục niềm tin của thị trường du lịch nội địa.

Theo sự chỉ đạo và định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, hoạt động lữ hành trên toàn quốc đồng loạt triển khai đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Chương trình kích cầu nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các địa phương, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là tại các trung tâm du lịch. Các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới, sáng tạo, phát triển các sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của khách. Một số sản phẩm mới được quan tâm trong thời gian qua như tour suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh, ngắm vịnh Hạ Long bằng thủy phi cơ, tham quan gốm Chu Đậu, tour tham quan nhà tù Hỏa Lò về đêm, bay khinh khí cầu và ngắm hoa dã quỳ ở Ba Vì, cung đường du lịch mùa đông, du lịch nông nghiệp… Sự ra đời những sản phẩm mới đã tạo nên không khí sôi động trên thị trường du lịch trong nước, mang lại nhiều lựa chọn cho du khách.

Hoạt động lữ hành quốc tế: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn số 4122/HD-BVHTTDL về hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và các địa phương đón khách. Các địa phương tích cực chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng đón khách du lịch với việc đảm bảo các yêu cầu an toàn, vệ sinh và chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Nhằm phục vụ giai đoạn thí điểm, chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế, ngành Du lịch đã tập trung các hoạt động xúc tiến trực tuyến trên các kênh e-marketing với trọng tâm là chiến dịch “Live fully in Viet Nam” nhằm tiếp cận, giữ kết nối với du khách tại các thị trường quốc tế trọng điểm. Theo thống kê, đã có 4.638 lượt khách du lịch đến Việt Nam qua Chương trình thí điểm đón khách quốc tế từ cuối tháng 11/2021. Du khách quốc tế có những ghi nhận rất tích cực khi khám phá những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam, trải nghiệm các hoạt động thể thao, giải trí hấp dẫn, sôi động cũng như thư giãn, nghỉ dưỡng. Đồng thời, du khách cũng thể hiện sự yên tâm với các biện pháp phòng chống dịch cũng như đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh 5 địa phương được đón khách quốc tế thí điểm ở giai đoạn 1, một số tỉnh khác như Bình Định, TP. Hồ Chí Minh cũng đã được Chính phủ cho phép đón khách quốc tế trong giai đoạn 2 tới đây.

Thách thức đối với hoạt động lữ hành trong bối cảnh mới và những giải pháp đề xuất

Trước bối cảnh đại dịch COVID-19, ngành Du lịch tiếp tục nhận được sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ kịp thời. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021, trong đó đồng ý về chủ trương cho phép nghiên cứu thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh. Trước Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng đã có những chỉ đạo trực tiếp quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch, doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh du lịch chịu tác động nặng nề của đại dịch. Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị quyết cho phép triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, trong đó có những nội dung trực tiếp với lĩnh vực du lịch: (i) Công văn số 8044/VPCP-KGVX ngày 2/11/2021 của Văn phòng Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam tại 5 địa phương với 3 giai đoạn. (ii) Ban hành các chính sách hỗ trợ chung: các doanh nghiệp được gia hạn thời gian nộp thuế, giảm mức thuế suất giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên lãi suất vay và nhóm nợ, lùi thời điểm đóng phí công đoàn cho người lao động… (iii) Ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù cho ngành Du lịch: các doanh nghiệp du lịch được hưởng các hỗ trợ đặc thù như: giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất, giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, giảm 80% tiền ký quỹ thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên du lịch được hưởng mức hỗ trợ là 3.710.000 đồng/người và đến nay, tổng mức hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch đã được giải quyết hỗ trợ là trên 58 tỷ đồng cho gần 16.000 hướng dẫn viên…

Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để phòng, chống dịch COVID-19, nhờ đó dịch bệnh dần được kiểm soát trên phạm vi cả nước, tỷ lệ tiêm vắc xin tăng nhanh, sớm đạt được độ bao phủ cần thiết để thích ứng với dịch bệnh, quan điểm phòng chống dịch điều chỉnh theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh”… Đây là những tiền đề quan trọng để ngành Du lịch nói chung và hoạt động lữ hành nói riêng có điều kiện hoạt động trở lại trong bối cảnh bình thường mới.

Số liệu thống kê hai năm 2020 - 2021 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành tăng cao với 600 doanh nghiệp trong khi chỉ có 279 doanh nghiệp cấp mới trong 2 năm qua; 97% doanh nghiệp lữ hành Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; quy mô, tiềm lực còn hạn chế. Sau dịch bệnh, doanh nghiệp lữ hành cần nhân lực, cần vốn để đầu tư kinh doanh, mở lại hoạt động lữ hành. Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã khiến cho nội lực của Du lịch suy yếu, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng rất nặng nề trong hai năm qua, khiến doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực. Vì vậy, hoạt động lữ hành trong thời gian tới chắc chắn gặp khó khăn nếu không có những biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Việt Nam có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, sản phẩm du lịch còn trùng lắp, thiếu sự đầu tư chuyên nghiệp. Du lịch Việt Nam hiện còn thiếu các mô hình liên kết tốt, hiệu quả để tạo ra giá trị, sức cạnh tranh cao. Trong khi đó, Du lịch Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các thị trường quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore... khi các quốc gia cũng đang từng bước khôi phục thị trường du lịch, ban hành nhiều chính sách thu hút khách du lịch trong thời gian tới.

Sau hai năm bị hạn chế đi lại, nhu cầu đi du lịch có xu hướng bùng phát. Theo khảo sát của Booking.com với 28.000 người từ 28 quốc gia trên thế giới cho thấy nhiều du khách mong chờ đi du lịch trở lại. Theo điều tra của Hội đồng Tư vấn Du

lịch (TAB), khách du lịch nội địa đã sẵn sàng quay lại hoạt động du lịch ngay khi dịch bệnh được kiểm soát (gần 30% sẵn sàng đi du lịch ngay, trên 50% sẵn sàng đi du lịch trong mùa du lịch tiếp theo, 70% trả lời sẽ đi du lịch bằng phương tiện máy bay). Trên cơ sở đánh giá cơ hội và thách thức của hoạt động lữ hành, một số giải pháp được đề xuất nhằm phục hồi hoạt động lữ hành trong thời gian tới gồm:

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và ban hành theo thẩm quyền các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành, người lao động trong ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Phục hồi, phát triển Du lịch phải được xác định là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, 2023. Từ đó tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động lữ hành là một trong những hoạt động quan trọng nhất của ngành Du lịch. Do vậy nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch phải được tạo cơ sở pháp lý, bố trí đủ nguồn lực để triển khai. Trong đó cần thiết ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh lữ hành, thu hút khách quốc tế từ thị trường trọng điểm đến Việt Nam; đẩy mạnh du lịch nội địa, kích thích chi tiêu của du khách góp phần tăng tỷ trọng của ngành Du lịch trong khu vực dịch vụ, thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

TS. Nguyễn Lê Phúc
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DU LỊCH

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT