Thái Lan ứng phó nguy cơ quá tải du lịch cục bộ
Các chính sách và biện pháp kích thích du lịch tức thời của Chính phủ Thái Lan như chính sách miễn thị thực, tổ chức sự kiện, lễ hội tầm cỡ khu vực, quốc tế… đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Hàng trăm nghìn lượt du khách quốc tế nhập cảnh Thái Lan mỗi ngày, không chỉ để du lịch mà còn để tham gia lễ hội và các sự kiện trên nhiều lĩnh vực. Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin mới đây còn đề ra mục tiêu đầy tham vọng, đón 80 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2027.
Du lịch càng tăng trưởng mạnh mẽ, Thái Lan lại càng cần có một kế hoạch tổng thể để quản lý và phát triển lĩnh vực du lịch một cách bền vững.
Rất đông du khách tham quan phố Khao San (Bangkok, Thái Lan) vào dịp cuối tuần. Ảnh: VOV-Bangkok
Quá tải du lịch cục bộ
“Quá tải du lịch” tưởng chừng không phải là vấn đề ở Thái Lan - quốc gia có năng lực tiếp đón hàng chục triệu du khách mỗi năm. Tuy nhiên tình trạng này lại đang nổi lên như chủ đề nóng được bàn tán sôi nổi những tuần gần đây khi lượng du khách rất lớn đổ về một vài điểm đến du lịch nổi tiếng dịp Lễ hội té nước Songkran vừa qua.
Thái Lan có tới 77 tỉnh, thành; tuy nhiên theo bà Somradee Chitchong, một lãnh đạo của Cơ quan Du lịch Thái Lan phụ trách lĩnh vực tiếp thị, du khách quốc tế chủ yếu mới chỉ biết tới các điểm đến hàng đầu như thủ đô Bangkok, Pattaya, Phuket, Chiang Mai, Hua Hin hay Khao Yai. Ngoài ra, chỉ những du khách đến Thái Lan dài ngày và có điều kiện tài chính, mới có thể tham quan một số hòn đảo nằm ở miền Đông và miền Nam như Samui, Phi Phi, Phangan, Samet hay Chang.
Trong khi đó, đa số các địa phương còn lại ở Thái Lan chưa thực sự tạo được sức hút nổi bật đối với du khách quốc tế. Chính sự chênh lệch này đang dẫn đến nguy cơ “quá tải du lịch” cục bộ với những hệ lụy rõ nét. Lượng khách quốc tế kết hợp với hàng chục triệu lượt khách nội địa dịp Tết té nước vừa qua khiến nhiều điểm du lịch chật kín người, gây ra những phiền hà và cảm giác khó chịu đối với không ít du khách và người dân địa phương. Tại một vài điểm đến còn xảy ra tình trạng thiếu điện, nước sinh hoạt, tắc nghẽn giao thông và ùn ứ rác thải, gây ô nhiễm môi trường.
Định hướng bền vững cho ngành du lịch
Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan Kriengkrai Thiennukul cho rằng nếu không có những kế hoạch và chiến lược bài bản, đặc biệt liên quan tới khâu tính toán năng lực đón khách, người dân các địa phương sẽ phải gánh chịu nhiều hệ lụy do “quá tải du lịch”. Lấy dẫn chứng về tình trạng ùn tắc giao thông và người dân xếp hàng dài để mua hàng hóa, dịch vụ tại hòn đảo nghĩ dưỡng Phuket thời gian qua, ông Kriengkrai cảnh báo các điểm đến du lịch này sẽ dần mất đi sức hút, dẫn đến lượng du khách giảm nếu thực trạng này còn tiếp diễn.
Theo bà Somradee, Thái Lan đang thiếu một kế hoạch tổng thể để hỗ trợ ngành du lịch nói chung và các địa phương quản lý du khách đến tham quan nói riêng. Kế hoạch này sẽ giúp phân tích tiềm năng của mỗi địa phương về hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, các điểm đến, tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng cơ bản, năng lực ứng dụng công nghệ mới…, làm cơ sở để phát triển du lịch bền vững ở quy mô lớn.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cùng các quan chức chính phủ trong buổi lễ công bố Tầm nhìn Du lịch Thái Lan năm 2025 hồi tháng 4. Nguồn: PRD
Đại diện Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, ông Jaturon Phakdeewanit cho biết Chính phủ Thái Lan đã đề ra nhiều kế hoạch, chính sách thúc đẩy du lịch bền vững, trong đó mới đây nhất là “Tầm nhìn Du lịch Thái Lan 2025” được Thủ tướng Thái Lan Srettha trình bày hồi tháng 4. Bộ Du lịch và Thể thao gần đây cũng đã kí các thỏa thuận hợp tác với cộng đồng ở 21 đảo của Thái Lan nhằm triển khai các dự án phát triển du lịch bền vững thông qua cam kết giảm lượng khí thải carbon. Các dự án này cung cấp chỉ số đo lường về lượng khí thải thực tế và mức tiêu chuẩn, trên cơ sở đó cộng đồng địa phương có thể quyết định giảm số lượng du khách đến đảo hoặc giảm các hoạt động trên đảo nhằm đảm bảo kinh doanh du lịch bền vững.
Thủ tướng Thái Lan Srettha đã cam kết chính phủ nước này, cộng đồng doanh nghiệp và người dân sẽ cùng chung tay phát triển du lịch một cách có trách nhiệm, qua đó đưa lĩnh vực du lịch trở thành trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế, mang lại nguồn thu nhập ổn định và đồng đều hơn cho mọi thành phần trong xã hội. Mục tiêu này không phải là thiếu tính khả khi trong bối cảnh Thái Lan còn nhiều tiềm năng sẵn có chưa được khai thác, nhất là các di sản văn hóa và ẩm thực phong phú, hấp dẫn ở 55 địa phương mà Chính phủ Thái Lan xác định là các điểm đến du lịch thứ cấp.
Một điểm không thể phủ nhận nữa là hiếm khi thấy người dân Thái Lan phàn nàn hay phản đối về làn sóng du khách quốc tế đổ xô đến nước này trong thời gian qua. Chất lượng dịch vụ cùng thái độ niềm nở, thân thiện và nhiệt tình chào đón du khách của người dân Thái Lan đôi khi chính là yếu tố then chốt để du khách quốc tế đến và quay lại Thái Lan nhiều lần.
PV