Thăm vườn măng cụt trăm năm tuổi ở Cần Thơ
Vườn măng cụt đang rộ trái.
Cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 5-6km, vườn Lan Dung là một điểm đến vừa đi vào hoạt động du lịch vài tháng nay. Cô Võ Thị Mai Lan, chủ vườn Lan Dung, cho biết: “Nhà cô có hơn 20 công vườn, cho mướn hết 7-8 công, còn lại mười công vườn cây trái, đa phần là măng cụt lão. Có cây gần 200 tuổi rồi”.
Vườn cây nhà cô Mai Lan có khoảng 70 chục gốc măng cụt, thu hoạch hàng chục tấn trái mỗi vụ. Cô kể, hồi xưa vườn có hơn 100 gốc măng cụt, nhưng theo thời gian cây dần chết, giờ những gốc măng lão chỉ còn vài chục cây. Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh vườn, cô Mai Lan cho biết vườn cây có từ đời ông bà trong gia đình, những cái cây có nu - dấu vết cành cây bị chặt, thân có cục đưa ra là những cây lâu năm, cũng là cách lý giải về tên gọi măng cụt (cành bị chặt thành cụt) theo dân gian. Những cây măng cụt phải trên trăm tuổi thì mới có nu. Nu càng lớn, sần sùi thì cây càng lão, trái càng ngon. Những cây này cao vài chục mét, tán rộng, thân cây phải một vòng người ôm. Ðâu đó, trong vườn vẫn còn vài cây là chứng tích của thời kỳ gian khó thuở chiến tranh. Những thân cây bị bom rơi đạn lạc trúng, mang vết thương dài khoét rỗng bên trong, mà theo năm tháng, vẫn kiên cường sống cho sai trái mỗi vụ.
Vườn măng cụt tại đây hoàn toàn tự nhiên, không phân thuốc, cỏ vẫn mọc um tùm khắp lối đi giữa các bờ mương. Cô Võ Thị Mai Lan nói: “Hồi xưa gia đình chỉ bán măng cụt cho thương lái, không làm du lịch. Vì theo nông dân mình, người đi nhiều quá thì cây không phát triển tốt được. Sau này, con cô muốn làm du lịch để khách tham quan vườn, chiêm ngưỡng cổ thụ”. Theo đó, vườn Lan Dung bắt đầu đón khách tham quan măng cụt lão từ dịp Lễ 30-4, miễn phí vào vườn. Du khách muốn hái trái cây thì cân ký tính theo giá thời vụ. Tại đây, còn có các dịch vụ câu cá, chèo ghe, ẩm thực. Ðặc biệt, cô Mai Lan có món gỏi măng cụt, bánh xèo và nhiều loại bánh dân gian độc đáo, như: bánh mãng cầu, bánh tét 3 nhân…
Bài và ảnh: Ái Lam