Non nước Việt Nam

Thanh Hóa: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghè trong cộng đồng

Cập nhật: 14/09/2020 08:00:56
Số lần đọc: 1506
Nghè là nơi thờ các vị thánh nhân, các bậc hiền tài có công trong việc lập đất, giúp Nhân dân gìn giữ, bảo vệ và dựng xây bờ cõi. Có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống người dân, ngày nay nhiều nghè đã được trùng tu, tôn tạo quy củ, xứng tầm với giá trị vốn có của nó, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều di tích đang bị xuống cấp. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghè là điều cần thiết, góp phần lưu giữ những di sản quý báu của dân tộc.

Nghè Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang là niềm tự hào của người dân địa phương.

Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa trong đời sống tâm linh

Cùng với các di tích khác như: Chùa, đền, miếu, đình..., nghè là nơi thờ tự quen thuộc trong đời sống dân gian có lối kiến trúc vừa tinh tế, vừa cổ kính nhưng cũng rất đỗi thân quen, gần gũi, mang đậm dấu ấn làng xã. Đối với người dân quê, mỗi khi có dịp “lên nghè”, “vào nghè” họ thường dành cho nơi đây sự tôn kính, trân trọng bởi niềm tin vào sự linh thiêng. Mỗi dịp tế lễ, các sự kiện lớn gắn với nghè, người dân trong làng đều nô nức sắm sửa đồ lễ, tổ chức các buổi rước kiệu theo phong tục, tạo nên không gian văn hóa đặc sắc, ý nghĩa tại mỗi địa phương.

Chức năng thờ tự giống các ngôi đền, đó là thờ các vị thánh, thần trong dân gian. Nghè có khi thờ thành hoàng làng hay các vị thánh nhân có công với Nhân dân, đất nước, cũng có thể là nơi thờ các vị thủy thần trong tín ngưỡng của người dân vùng biển... Chính vì vậy tại nhiều nơi, cùng một di tích nhưng có người gọi đền nhưng tên “nghè” cũng thường xuyên được nhắc đến.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, chưa có một tiêu chí cụ thể nào để phân biệt rõ ràng giữa nghè và đền. Chức năng thờ tự như nhau, lối kiến trúc cũng có sự tương đồng. Và thực tế, từ “nghè” chính là tên thường gọi trong Nhân dân, còn từ “đền” là được dịch từ tiếng Hán. Vì thế, tại một số di tích hai tên gọi này vẫn được sử dụng. Chẳng hạn như Đền thờ Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân, thôn Vĩnh Gia, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa), người dân trong làng vẫn thường gọi là nghè Vĩnh Gia...

Kiến trúc nghè vừa rất đơn giản, gần gũi với những nếp nhà xưa cũ của người dân vừa chứa đựng nghệ thuật điêu khắc cầu kỳ, độc đáo. Bộ mái lợp ngói rộng lớn, rêu phong, góc mái cong mềm mại được trang trí đẹp mắt. Bên trong nghè có các cột gỗ lớn với các bức chạm khắc bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng) và nhiều họa tiết tinh sảo như vân mây, hoa, lá...

Nghè Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) là một ngôi nghè nằm ở vùng đất cổ ven sông mã nổi tiếng khoa bảng, được xây dựng năm 1593 để thờ công chúa Mai Hoa, một nhân vật trong truyền thuyết được người dân tôn là Thành Hoàng làng. Nghè Nguyệt Viên tuy không quá lớn nhưng lại là một công trình có giá trị cả về mặt lịch sử văn hóa lẫn kiến trúc nghệ thuật. Đây là nơi người dân địa phương thường xuyên đến để dâng hương vào các ngày lễ trong tháng. Trước đây, nghè nằm trong khuôn viên có quy mô lớn của làng, ngay phía bên có ngôi chùa và đình làng 9 gian, có giếng nước, chiếc cầu đá cùng nhiều cây cổ thụ quanh năm xanh tốt với cảnh quan rộng rãi, thoáng mát. Nghè có cấu trúc 1 gian 2 chái. Kết cấu vì kèo của nghè khá đặc biệt. Những người thợ xưa đã nâng cao và mở rộng giá chiêng tạo nên một tầng lầu thứ 2 nhưng không có sàn. Phía ngoài mái cũng tạo thành 2 lớp, giữa 2 lớp có thêm cổ diêm cao với nhiều ô cửa nhỏ khiến cho bên trong công trình được cao ráo, thoáng đãng. Bộ khung gỗ của nghè vững chắc, bề thế với những mảng chạm khắc nghệ thuật các linh vật, hoa lá tỉ mỉ. Các hình ảnh đầu rồng, phượng, lân được khắc vào từng vị trí cố định trên các đầu dư, rường, các góc đầu nối với các cột cái... một cách mềm mại, uyển chuyển nhưng vẫn toát lên được sự sắc sảo, uy nghi. Các cột gỗ lim to vững vàng trên các hòn đá tảng kê chân chắc chắn. Kiến trúc cầu kỳ đẹp mắt cùng với những đường nét điêu khắc nghệ thuật tinh xảo khiến nghè Nguyệt Viên vừa có nét linh thiêng, trang trọng vừa thực sự gần gũi, gắn bó với cuộc sống đời thường của người dân địa phương.

Cùng với các ngôi nghè lớn như: Nghè Thánh Cả (TP Sầm Sơn), Nghè Yên Trung (Hậu Lộc), nghè Cả Đông Hương (TP Thanh Hóa)... Nghè Nguyệt Viên có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo người dân địa phương.

Phát huy giá trị lịch sử văn hóa nghè

Tuổi đời hàng trăm năm, chịu sự tác động của thiên nhiên, sự lấn chiếm không gian di tích của các khu vực dân cư xung quanh khiến nhiều di tích nghè đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng cần được trùng tu, tôn tạo. Ngoài một số di tích nghè đã được cải tạo vững chắc thì hiện vẫn còn nhiều điểm chưa được quan tâm tu bổ.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, để giữ gìn và phát huy được những giá trị văn hóa của nghè, việc trước tiên là phải tập trung trùng tu các di tích dựa trên cơ sở phục chế những giá trị từ nguyên bản. Tuy nhiên trên thực tế, việc tôn tạo các di tích không chỉ rất tốn kém mà còn đòi hỏi người thợ phục chế, người làm công tác tôn tạo phải thực sự cẩn trọng, hiểu biết sâu về những nét đặc trưng của kiến trúc cổ. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước cấp cho một di tích chưa đủ lớn để có thể hoàn thiện công tác trùng tu, tôn tạo nên nếu muốn thực hiện, chính quyền địa phương và người dân phải vận động nguồn xã hội hóa. Đây là một khó khăn chung đối với nhiều di tích nghè đang “khắc khoải” chờ được tôn tạo, nâng cấp trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Cư, 75 tuổi, người có nhiều năm trông coi di tích nghè Nguyệt Viên chia sẻ: “Không còn bề thế, rộng rãi như trước, ngày nay, khuôn viên của nghè bị thu hẹp lại, các công trình tâm linh bên trong khu vực này cũng không còn khiến ngôi nghè trở nên “chơ vơ”. Mặt khác, nghè Nguyệt Viên nằm ngay sát khu vực nhà dân và trường học, lối đi chính vào di tích cũng là cổng vào của trường tiểu học nên khó tránh được việc đi lại, sinh hoạt của người dân làm ảnh hưởng đến di tích. Hơn nữa, do từ lâu chưa được tu sửa nên có nhiều hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng: Mái ngói bị sệ và nhiều chỗ vỡ nát, những cột gỗ tách nứt, bị mùn vì ẩm mốc... Nếu không sớm được tôn tạo, tôi lo lắng ngôi nghè này sẽ không còn giữ được cho thế hệ mai sau”.

Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo kiến trúc di tích thì việc phục hồi không gian văn hóa, chú trọng tổ chức các lễ hội tiêu biểu của địa phương gắn liền với nghè là việc làm cần thiết. Cùng với xu hướng phát triển du lịch văn hóa tâm linh, các địa phương cần có những cách làm thiết thực, đưa di tích nghè vào chuỗi các điểm di tích khác để giới thiệu đến du khách thập phương. Có như vậy, nghè vừa giữ được những giá trị truyền thống đặc sắc nhưng vẫn có thể hội nhập được với cuộc sống hiện đại.

Thu Hà

Nguồn: Báo Thanh Hóa
Từ khóa: Thanh Hóa, nghè

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT