Hoạt động của ngành

Thanh Hóa: Chủ động đào tạo để nâng cao chất lượng nhân lực

Cập nhật: 21/04/2020 18:39:54
Số lần đọc: 741
Trong phát triển nguồn nhân lực du lịch, nếu Nhà nước đóng vai trò quyết định, thông qua xây dựng cơ chế, chính sách, nguồn lực, cơ sở vật chất đào tạo...; thì doanh nghiệp cũng giữ vai trò quan trọng trong thực thi chính sách. Bởi, bản thân các doanh nghiệp nếu luôn có nhu cầu lao động chất lượng, thì họ phải chủ động trong tuyển dụng, đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ của chính doanh nghiệp mình. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng được một cơ chế quản trị và chính sách đãi ngộ tương xứng với sự đóng góp của người lao động. Từ đó, thu hút nguồn lao động có kỹ năng từ các lĩnh vực khác đến làm việc.  

Chủ động tự đào tạo nhân lực là chìa khóa phát triển của nhiều doanh nghiệp. Ảnh tư liệu của H.X

Dù mới đi vào hoạt động được vài năm, song Khách sạn Central (TP Thanh Hóa) đã tìm được chỗ đứng trong phân khúc lưu trú cao cấp. Để làm được điều đó, bên cạnh nhiều yếu tố về tiềm lực, cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ..., không thể không nhấn mạnh đến chiến lược tuyển dụng, đào tạo và sử dụng nhân lực của doanh nghiệp. Điển hình là đơn vị đã chủ động mời các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực khách sạn (lễ tân, buồng phòng, ăn uống...) về trực tiếp hướng dẫn, đào tạo cho cán bộ, nhân viên. Các kiến thức và kỹ năng được trang bị như quy trình đón tiếp và phục vụ khách alacarte; quy trình đón tiếp và phục vụ khách ăn sáng; kỹ năng phục vụ bàn tiệc, phòng riêng và chăm sóc khách hàng; quy trình bộ phận Food & Beverage; giao tiếp bộ phận buồng và xử lý các tình huống... đều rất thiết thực và có tính ứng dụng cao. Đặc biệt, nội dung, chương trình giảng dạy được các giảng viên căn cứ vào điều kiện thực tế, hay dựa trên các ưu, nhược điểm của khách sạn, để xây dựng cho phù hợp. Đồng thời, bảo đảm tính khách quan, nghiêm túc, nhằm mang lại kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

Cũng là một trong những cơ sở kinh doanh lưu trú mới và được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, Khách sạn Mường Thanh (TP Thanh Hóa) cũng đã chú trọng đặc biệt đến yếu tố con người. Để có được gần 140 nhân viên đang làm việc, đơn vị đã kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu tuyển dụng, với các yêu cầu cụ thể về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, văn hóa giao tiếp ứng xử, trình độ ngoại ngữ... Đồng thời, 100% lao động sau khi được tuyển dụng sẽ được đào tạo lại một cách bài bản, sao cho phù hợp với yêu cầu và điều kiện của đơn vị. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi, kiểm tra tay nghề, năng lực làm việc của nhân viên. Từ đó, giúp nắm bắt, đánh giá được chất lượng đội ngũ; đồng thời, khuyến khích người lao động tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc.

Bên cạnh các đơn vị nêu trên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch như FLC Sầm Sơn, Vinpearl Hotel, Sao Mai Hotel, Lam Kinh Hotel, Dragon Sea, Vietravel, Vietrantour, Dạ Lan... cũng đã chú trọng đến chất lượng đội ngũ nhân lực và tuân thủ quy trình tuyển dụng - đào tạo – sử dụng - quản lý một cách chặt chẽ. Bên cạnh việc mời các chuyên gia hàng đầu về dịch vụ nhà hàng, khách sạn về trực tiếp giảng dạy; nhiều đơn vị cũng chủ động phối hợp với ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Hiệp hội Du lịch, các đơn vị đào tạo, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ quản lý, người lao động. Đồng thời, cử nhân viên tham gia các hội thi tay nghề, nghiệp vụ trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, chất lượng lao động trong khối doanh nghiệp dịch vụ du lịch, đã có nhiều cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo, đào tạo tại chỗ, đào tạo lại ngày càng tăng. Cũng chính sự vào cuộc chủ động, tích cực và hiệu quả của nhiều doanh nghiệp, đã và đang góp phần giảm áp lực cho địa phương trong việc bố trí nguồn lực đào tạo. Đồng thời, thúc đẩy công tác xã hội hóa trong đào tạo nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao như đội ngũ cán bộ quản lý du lịch.

Vài năm trở lại đây, sự chuyển dịch lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch, giữa các quốc gia thành viên ASEAN, diễn ra hết sức sôi động. Nhiều doanh nghiệp du lịch thuộc các nước khu vực ASEAN có cơ hội thu hút lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao của Việt Nam. Đồng thời, nhiều lao động lành nghề của các nước cũng đã tìm thấy cơ hội việc làm ở nước ta. Từ đó, tính cạnh tranh trong nghề nghiệp, để có vị trí việc làm hay công việc phù hợp, lương cao cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là những tỉnh/thành trọng điểm du lịch. Điều này, nếu diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ hơn nữa trong vài năm tới, thì lao động du lịch Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên sân nhà, nếu không đáp ứng được các yêu cầu, quy chuẩn của nghề du lịch (MRA-TP), đã được các quốc gia thành viên ASEAN thống nhất xây dựng và thực hiện. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch trong nước nếu không tích cực đổi mới và có chiến lược thu hút, giữ chân lao động có tay nghề, thì sẽ mất đi nguồn lao động chất lượng. Điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh và chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

Để hạn chế thấp nhất những tác động không mong muốn trên, tỉnh Thanh Hoá đã và đang rà soát chương trình đào tạo và văn bằng, chứng chỉ liên quan. Từ đó, bảo đảm sự liên kết và tính phù hợp của chúng với quy chuẩn nghề du lịch ASEAN. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo của một số doanh nghiệp du lịch cũng đang dần có sự điều chỉnh, bám sát với yêu cầu chung. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, nhiều cơ sở đào tạo du lịch và phần đa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch quy mô nhỏ, vẫn chưa tiếp cận được với các chuẩn đào tạo nhân lực du lịch của khu vực và thế giới. Do vậy xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn; đổi mới nội dung và chương trình đào tạo tiệm cận với chương trình chuẩn khu vực, thế giới; đẩy mạnh liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo du lịch uy tín trong và ngoài nước; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy học... Đó là những yêu cầu đặt ra đối với tỉnh Thanh Hóa lúc này.

Còn riêng đối với doanh nghiệp, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch và nhiều đơn vị đang loay hoay với câu hỏi: Làm thế nào để giữ chân người lao động? Song thiết nghĩ, họ vẫn cần nhận thức rằng, nhân lực là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển bền vững. Do vậy, vẫn cần có chiến lược bài bản, cụ thể và lâu dài cho việc đào tạo và sử dụng nhân lực. Đó cũng là nền tảng giúp họ sẵn sàng cho những bước phục hồi và phát triển tiếp theo.

Hoàng Xuân

 

 

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục