Non nước Việt Nam

Thầy Tào trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người Tày - Nùng

Cập nhật: 17/02/2023 09:40:58
Số lần đọc: 671
Trong quan niệm của người Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc, thầy Tào là những người có khả năng giao tiếp với thế giới thần linh, giúp dân bản trừ tà ma và cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống bình an...

Có 2 nhóm người có thể trở thành thầy Tào: Thứ nhất là những người thuộc con cháu của những gia đình có tổ tiên làm Tào, người ta gọi là có Tổ nghề; thứ hai là những người có "căn số". Một người từ khi trở thành thầy Tào phải trải qua rất nhiều công đoạn, trong đó quan trọng nhất là lễ cấp sắc (tiếng Tày, Nùng gọi là “cai Tào”) thường diễn ra trong vòng 2 ngày 1 đêm, với nhiều lễ nghi cổ xưa. Qua quan sát nghi lễ cấp sắc của thầy Tào sẽ nhận thấy cấp sắc là nghi lễ miêu tả lại hành trình xuất hiện của một thầy Tào từ còn trong bụng mẹ đến khi trưởng thành.

Với mỗi một người Tày, Nùng, từ khi sinh ra, lớn lên và chết đi đều gắn bó với những nghi lễ vòng đời mà thầy Tào thực hiện.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu, ở thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rỳ, tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Tào chỉ làm những công việc hệ trọng, việc buồn đau, đưa đám là chủ yếu. Còn ngày cát kỳ yên giải hạn cũng có sách vở nhưng theo tiếng Hán, không theo tiếng Tày. Đàn bà không làm Tào, nhưng đàn ông thì nhiều, đàn bà phần nhiều làm then".

Nghi lễ cấp sắc thường thu hút đông đảo bà con họ hàng và hàng xóm tham dự. Sự có mặt của người dân không chỉ góp phần khẳng định sự thành công của nghi lễ, mà còn thể hiện danh tiếng của dòng Tào và bản thân thầy Tào mới được cấp sắc. Trong quan niệm dân gian của người Tày, Nùng, những vị thầy Tào có khả năng kết nối với thế giới thần linh, có khả năng cầu cho mưa thuận gió hòa để bà con có vụ mùa bội thu, xua tan những điều không tốt đẹp. Chính vì vậy, những thầy Tào được coi như một chức sắc quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người Tày, Nùng. Khi chức sắc càng cao, thầy Tào càng có năng lực hơn và được mọi người kính trọng: "Chúng tôi hành nghề này đã tuyên thề với tổ tiên, các sư phụ là gần cũng đi, xa cũng bước tới, nhà khó cũng phải làm, nhà tốt cũng không từ nan, ngày trước thì không kể nhưng bây giờ đường đi thuận tiện có thể đi ô tô hoặc xe máy, ngày trước, tôi còn đi bộ 15-20 km hết một ngày, đến tối lại làm".

Thầy Tào còn là người chủ trì trong những dịp lễ Tết hay cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, bội thu...

Với mỗi một người Tày, Nùng, từ khi sinh ra, lớn lên và chết đi đều gắn bó với những nghi lễ vòng đời mà thầy Tào thực hiện. Với cộng đồng bản, thầy Tào là những người phụ trách cầu mùa trong những dịp lễ Tết; cầu mưa thuận gió hòa khi đất trời thiên tai, hạn hán; cầu bản làng bình yên khi gặp nhiều dịch bệnh, bất ổn…

Hiện nay, nhận thức của bà con đã có nhiều tiến bộ nên gia chủ khi có việc mời thầy Tào đến nhà chỉ mang tính chất thực hành tín ngưỡng tâm linh ấm cúng và giản dị, tiết kiệm. Tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình mà mua sắm các lễ vật, không gây ra lãng phí, tốn kém như thời xưa. Và thầy Tào cũng là người sẽ khuyên gia chủ những việc nên làm, việc không nên làm, ví dụ như khi có người bệnh nặng thì đi viện để nhờ bác sĩ chữa trị chứ không phải chỉ ở nhà để cúng bái. Bên cạnh các hoạt động về thực hành tín ngưỡng tâm linh, thầy Tào còn là người giữ vai trò quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng./.

Hiền Hoàng

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 17/02/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT