Hành trang lữ khách

Thú vị Sân chim Vàm Hồ, Bến Tre

Cập nhật: 28/08/2020 10:45:30
Số lần đọc: 1094
Sân chim Vàm Hồ thuộc địa phận các xã Mỹ Hòa, Tân Mỹ và Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, có diện tích trên 67ha. Sân chim được khai thác du lịch từ năm 1986, với địa thế khá lý tưởng khi nằm cạnh cửa sông Ba Lai xuôi ra Biển Đông; đang sở hữu trên 120 loài chim quý hiếm như: cò, vạc, cồng cộc, diệc xám, quắm trắng, le le… cùng nhiều loại thú hoang như trăn, rắn, sóc, chồn, dơi, kỳ đà…

Một góc trời mây Sân chim Vàm Hồ.
 
Từ trung tâm tỉnh Bến Tre có nhiều con đường dẫn đến Khu du lịch sinh thái Sân chim Vàm Hồ đậm dấu ấn rừng ngập mặn. Chúng tôi quyết định chọn tuyến thuận tiện nhất: qua Giồng Trôm đến Tân Xuân, huyện Ba Tri, lộ trình khoảng 30 cây số, trên con đường rợp mát bóng cây.
 
Đến nơi, chúng tôi xuống xuồng để được len lỏi vào những cánh rừng già xanh ngan ngát và rộn rã tiếng chim. Nhiều đàn chim vụt bay lên khi phát hiện chúng tôi; cũng có nhiều tổ ong trong những cánh rừng ven sông rạch. Thỉnh thoảng cá dưới mặt nước phóng lên cao. Xa xa rất nhiều chim, vạc, cò, cồng cộc nghiêng mình chao lượn trên mặt nước. Anh Nguyễn Văn Khanh, hướng dẫn viên khu du lịch, cho biết: “Vào khoảng tháng 4, chim bắt đầu tụ tập về đây sinh sản, có thể thấy rõ trên các ngọn đước, bần, mắm nặng trĩu những tổ chim. Đến tháng 8 chúng lại thiên di đi nơi khác. Tập quán này được giữ nguyên hàng chục năm qua. Hiện nơi đây có khoảng 550.000 con chim quý hiếm các loại”.
 
Thảm thực vật Vàm Hồ có dừa nước, chà là, đước, mắm... ở tầng cao, rất lý tưởng cho các loài chim cư trú; còn ở tầng thấp gồm các loại cây chiếm ưu thế như đước đôi, bụp tra, ô rô, cóc kèn, rau muống biển, lau sậy… rất thuận tiện cho cò, vạc làm tổ sinh sản. Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn, độ cao trung bình 1,25 mét so với mực nước biển nên an toàn với triều cường hàng năm.
 
Nhiều du khách chung đoàn với tôi thích thú cho biết: Hiếm thấy nơi đâu lại hoang sơ, đẹp chân chất, nhiều chim muôn, thủy sản như ở đây. Nơi đây còn có rất nhiều chòi canh làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, với thiết bị chuyên dùng hiện đại.
 
Được biết, từ năm 2009, tỉnh Bến Tre đã triển khai Dự án Bảo tồn Sân chim Vàm Hồ và mở rộng trồng mới 23ha rừng gồm: chà là gai, tràm bông vàng, dừa nước, đước… với hướng đi là đầu tư khai thác du lịch nhưng có quy hoạch từng khu vực để không ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái và không gian phát triển của các loài chim.
 
Chúng tôi quay về trung tâm khu du lịch, tham gia bơi thuyền dưới những tàng cây, một số trò chơi dân dã như: đi cầu khỉ, đi dây qua hồ, đạp xích lô mi ni, trò chơi đánh đu xưa… trong làn gió mát dịu.
 
Thích nhất là vào ban chiều, du khách tha hồ ngắm cảnh hàng trăm ngàn con chim vượt sông Ba Lai tìm về tổ ấm trên những cánh rừng của khu du lịch. Anh Nguyễn Văn Khanh giới thiệu thêm: “Nơi đây cũng phát triển khu vực trồng nhiều loại trái cây nhiệt đới cho trái quanh năm, để du khách hiểu thêm về đời sống nông nghiệp của người dân miền Tây Nam Bộ, cũng như trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc trong ẩm thực của địa phương nơi đây”.
 
Chia tay Khu du lịch sinh thái Sân chim Vàm Hồ giữa những bài bản đờn ca tài tử rất “mùi” của các nghệ nhân Ba Tri, chúng tôi nhớ hoài cảnh sắc thiên nhiên trù phú, vị canh chua cá lóc nấu với bông so đũa chấm mắm còng Châu Bình...
 
Bài, ảnh: TÔ PHỤC HƯNG
Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục