Thừa Thiên - Huế: Đầu tư hơn 42 tỷ đồng bảo tồn, phục hồi giá trị di tích Hải Vân Quan
Ngày 23/4, tại Kỳ họp bất thường lần thứ ba, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã thông qua Tờ trình của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng, do hai địa phương là Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng góp vốn với tỷ lệ 50/50. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019-2020.
Dự án bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan bao gồm các nội dung: tu bổ, phục hồi công trình Hải Vân Quan có diện tích 50,96m2; tu bổ, phục hồi công trình Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan; phục hồi các tường thành nhà Nguyễn dài 128m; phục hồi nhà Trú Sứ 3 gian, diện tích 60m2, nhà Vũ Khố 3 gian, diện tích 45m2; phục hồi tuyến bậc cấp từ Hải Vân Quan xuống phía nam; phục hồi tuyến đường Thiên Lý từ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đi Huế.
Dự án còn bảo tồn và phục hồi sân đường giữa Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan; hạ giải các công trình, kết cấu xây dựng được xác định không thuộc thời kỳ nhà Nguyễn; tu bổ đoạn đường nối Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan bằng đá xếp theo dấu tích nguyên gốc; tu bổ, phục hồi hệ thống tường chắn đất bằng đá, bậc cấp và nền xếp đá khu vực nhà Trú Sứ, nhà Vũ Khố; xây dựng hệ thống thoát nước mặt khu vực sân đường đảm bảo mỹ thuật, kỹ thuật.
Các công trình khác cũng được phục hồi trong khuôn khổ dự án này gồm: kè chắn đất và mương thoát nước phía Đông Bắc di tích; hạ nền khu vực bồi lấp đến cao độ nền thuộc thời kỳ nhà Nguyễn theo dấu tích khảo cổ; xây dựng hệ thống kè chắn đất và mương thoát nước nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan.
Cùng với đó là tu bổ chống xuống cấp 5 lô cốt thời Pháp thuộc, phục hồi các chi tiết bị sập vỡ; xây dựng tuyến đường dạo theo địa hình kết nối các lô cốt và công trình di tích bằng bêtông giả đất; điều chỉnh hướng, hình thức kiến trúc bia chiến thắng Đồn Nhất phù hợp cảnh quan, không gian kiến trúc di tích Hải Vân Quan và điều chỉnh cục bộ tuyến khớp nối trạm viba với tuyến bậc cấp lên Hải Vân Quan.
Hải Vân Quan nằm trên núi Hải Vân thuộc địa giới hành chính của thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).
Do nằm ở vị trí giáp ranh giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng, nhiều năm qua, di tích Hải Vân Quan dường như bị lãng quên. Tại quyết định 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2017, Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hải Vân Quan hiện là điểm tham quan hấp dẫn của du khách khi đến hai địa phương này.
Hải Vân Quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ bảy (năm 1826) ở độ cao 490m của đèo Hải Vân, là di tích đặc biệt trong hệ thống di tích triều Nguyễn. Từ trấn Bình Đài (Kinh thành Huế) xuống Trấn Hải Thành (Thuận An) đến Hải Vân Quan là một cụm di tích lịch sử phản ánh trình độ kiến trúc quân sự của một triều đại, tạo nên sự đa dạng cho quần thể di tích cung đình Huế.
Ngoài những giá trị về mặt lịch sử và quân sự, Hải Vân Quan còn được biết đến là một danh thắng nổi tiếng được xem là "quan ải hoành tráng nhất dưới bầu trời."
Hải Vân Quan được các nhà quân sự đánh giá là vị trí hết sức quan trọng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Sự hiện diện của Hải Vân Quan dưới triều Nguyễn đã phản ánh phần nào tinh thần giữ nước của người xưa.
Đến nay, Hải Vân Quan đã trải qua 193 năm lịch sử (1826-2019) với nhiều biến động. Đặc biệt di tích này đã bị chiếm dụng bởi thực dân, đế quốc và chịu tác động rất lớn của bom đạn từ hai cuộc chiến tranh kéo dài hơn hai thập kỷ nên diện mạo thay đổi nhiều.
Sau năm 1975, Hải Vân Quan tiếp tục xuống cấp trầm trọng do không được quan tâm một cách đúng mức trong thời gian dài./.