Thừa Thiên - Huế hỗ trợ gần 31 tỷ đồng cho phát triển du lịch cộng đồng
Thừa Thiên - Huế có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, với bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất cố đô, vùng nông thôn ven thành phố và vùng cao của các đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy gần như khá nguyên vẹn.
Tuy nhiên, sự phát triển mô hình du lịch dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh này vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu sự đầu tư, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu, nhận thức về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng của người dân còn chưa cao… Lượng khách khi đến Huế tham gia DLCĐ còn khá khiêm tốn. Theo thống kê từ ngành du lịch, riêng trong năm 2018, tổng số khách đến Huế là hơn 4,3 triệu lượt nhưng chỉ có khoảng 300.000 lượt khách đi DLCĐ, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Do đó, nhiều điểm DLCĐ hoạt động khó khăn và cầm chừng.
Tại kỳ họp thứ 8-HĐND tỉnh khóa VII nhiệm kỳ 2016-2021vừa diễn ra, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thống nhất thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại 14 điểm du lịch cộng đồng thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 với tổng kinh phí là 30.855 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đảm bảo 70%; ngân sách huyện, thị xã, thành phố Huế và xã hội hóa đảm bảo 30%.
Theo Nghị quyết đã được thông qua thì nhiều nội dung, hạng mục sẽ được hỗ trợ cụ thể như Hỗ trợ xây dựng đường giao thông nối từ các trục quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đến điểm du lịch, mức hỗ trợ xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa không quá 2 tỷ đồng/điểm du lịch. Hỗ trợ xây dựng đường nội bộ tại điểm du lịch, mức hỗ trợ xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa không quá 1,5 tỷ đồng/điểm du lịch. Mỗi điểm du lịch được hỗ trợ đầu tư một bãi đỗ xe với diện tích tối thiểu 200m2, có mái che một phần dành cho khách nghỉ khi dừng và chờ trước khi bước lên và xuống xe; mức hỗ trợ đầu tư mới không quá 200 triệu đồng/ điểm du lịch, mức hỗ trợ đầu tư nâng cấp không quá 50 triệu đồng/1 điểm du lịch...
Hỗ trợ xây dựng cơ sở lưu trú trong dân (homestay) tại các điểm du lịch cộng đồng; mức hỗ trợ xây dựng mới không quá 30 triệu đồng cho một phòng, tối đa 100 triệu đồng/cơ sở cho ba phòng; mức hỗ trợ cải tạo, sửa chữa 15 triệu cho một phòng, tối đa không quá 50 triệu đồng/cơ sở (có từ 03 phòng trở lên). Hỗ trợ xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch như phục dựng văn nghệ dân gian, ẩm thực, nghề truyền thống, các sản phẩm du lịch sinh thái; mức hỗ trợ 50 triệu đồng cho một sản phẩm du lịch và không quá 250 triệu đồng/1 điểm du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó sẽ có nguồn hỗ trợ để tổ chức các lớp đào tạo và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng; tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, các kỹ năng thuộc lĩnh vực du lịch, ngoại ngữ, quản lý điều hành, vận hành thuyền phục vụ khách, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.../.