Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Toàn cảnh buổi làm việc (Nguồn: Quốc hội TV)
Buổi làm việc có sự hiện diện của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; các đồng chí lãnh đạo Ủy ban, lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2021, ngành VHTTDL triển khai nhiều nhiệm vụ trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Bộ đã đổi mới, quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc (Nguồn: Quốc hội TV)
Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã định vị lại vai trò của ngành VHTTDL, xem xét lại những điểm nghẽn của ngành, nguyên nhân và giải pháp, trong đó Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phải chuyển tư duy từ làm văn hóa, thể thao và du lịch sang quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch thông qua các công cụ pháp luật, xây dựng chính sách thúc đẩy ngành văn hóa, thể thao và du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, trong lĩnh vực văn hóa và gia đình, thời gian qua Bộ VHTTDL đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, gia đình năm 2021 theo hướng đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt. Trong đó, đặc biệt là đổi mới về tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận trong giải quyết các vấn đề, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa phù hợp hơn, lấy nguồn lực bên trong, nguồn lực con người, giá trị con người Việt Nam là cơ bản, là chiến lược lâu dài, là quyết định để phát triển. Đẩy mạnh khai thác, phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam thông qua hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa.
Trong lĩnh vực thể thao, toàn ngành tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030 gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới”. Tập trung chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự Olympic, Paralympic Tokyo, SEA Games 31, ASEAN Para Games 11 và các giải thể thao quốc tế. Tập trung cho công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 năm 2021 tại Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc (Nguồn: Quốc hội TV)
Đối với lĩnh vực du lịch, từ tháng 4/2020 đến nay, Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Khách du lịch nội địa 7 tháng đầu năm 2021 đạt 31 triệu lượt khách, trong đó có 16,1 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch 7 tháng đầu năm đạt 136.300 tỷ đồng, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ VHTTDL đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; trình Thủ tướng đề án “Mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”; Hoàn thiện dự thảo Nghị định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia. Đồng thời, xây dựng Chương trình hành động phát triển du lịch 2021-2025 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tiếp tục đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ ngành du lịch, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang)…
Hoạt động quản lý lữ hành, quản lý cơ sở lưu trú du lịch, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng, tích cực triển khai. Đặc biệt, công tác truyền thông và chuyển đổi số được tập trung tăng cường. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các nền tảng số về Du lịch Việt Nam; Ký kết Thỏa thuận hợp tác về triển khai các giải pháp chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh cho du lịch Hà Giang, Thanh Hóa; xây dựng Bản đồ số du lịch Việt Nam an toàn tích hợp vào ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”; xây dựng các đề án, kế hoạch về phát triển du lịch số, du lịch thông minh…
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh dự buổi làm việc (Nguồn: Quốc hội TV)
Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường công tác quản lý, triển khai các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19. Chỉ đạo các địa phương và doanh nghiệp du lịch triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; chỉ đạo, đôn đốc cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19. Thực hiện hướng dẫn của Bộ, các cơ sở lưu trú du lịch đăng ký, thường xuyên tự đánh giá an toàn Covid-19 và cập nhật tại website: https://safe.tourism.com.vn/ để kết nối với hệ thống an toàn Covid-19 quốc gia; công bố mã QR tại sảnh đón tiếp hoặc khu vực dễ quan sát để khách du lịch có thể kiểm tra mức độ an toàn trước khi sử dụng dịch vụ và giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”.
Ông Lê Việt Anh, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chia sẻ với những khó khăn đối với ngành VHTTDL trong thời gian qua, nhất trí rằng đầu tư cho ngành chưa tương xứng với những mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Ủy ban sẽ đồng hành với Bộ VHTTDL và cùng Bộ VHTTDL hỗ trợ các địa phương trong lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa. Ông cũng nhấn mạnh, Bộ đang quản lý một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, cần xem xét mức độ đầu tư cho ngành tương xứng với mức độ đóng góp quan trọng của ngành cho quốc gia.
Toàn cảnh buổi làm việc (Nguồn: Quốc hội TV)
Ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao sự đổi mới của Bộ trong các giải pháp, cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, với tinh thần chủ động, nghiêm túc và linh hoạt. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban cũng đánh giá cao việc Bộ VHTTDL đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong năm 2021, xác định các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và giai đoạn 2021-2026.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng đã đặt trọng tâm rất lớn về lĩnh vực văn hóa, đưa vào khâu đột phá phát triển, coi văn hóa là nền tảng, là sức mạnh nội sinh, phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội. Đây là nền tảng quan trọng để ngành VHTTDL triển khai các nhiệm vụ.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đề nghị trong thời gian tới, Bộ VHTTDL tiếp tục tăng cường chỉ đạo, thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và một số đề án của ngành nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng và giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam để các ngành văn hóa vừa là văn hóa nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế.
Trung tâm Thông tin du lịch