Tìm giải pháp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường
Các đại biểu được chuyên gia hướng dẫn công tác kiểm kê di sản Mo Mường.
Ngày 3/10, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác xây dựng hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể Mo Mường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Mo là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Mường. Đó là loại hình nghi lễ gắn liền với các nghi thức tín ngưỡng do thầy Mo thực hiện, điển hình nhất là lễ tang ma của người Mường. Mo Mường là áng sử thi lớn phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường xưa. Mo Mường hiện có tại 6 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm: Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Hà Nội.
Tại Hà Nội, đồng bào dân tộc Mường tập trung đông nhất tại huyện Thạch Thất và Ba Vì. Theo kết quả Đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” công bố năm 2016. Di sản Mo Mường được kiểm kê với các tên gọi khác nhau tại các địa phương như: Bài cúng ma - cúng giỗ (xã Ba Trại, xã Vân Hoà, xã Yên Bài, huyện Ba Vì); Tập quán ma chay của người Mường (xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai); Nghi lễ tang ma của người Mường ở thôn Luồng (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất). Hiện trên địa bàn chỉ còn bảy thầy Mo đang thực hành thường xuyên.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, thành phố Hà Nội đang phối hợp các cơ quan, địa phương xây dựng Bộ hồ sơ quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.
Hội nghị triển khai công tác xây dựng hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể Mo Mường là một trong những khâu quan trọng trong tiến trình này. Các chuyên gia Viện Âm nhạc hướng dẫn, phổ biến về công tác kiểm kê theo quan điểm và yêu cầu của UNESCO đối với các di sản văn hóa phi vật thể; ứng dụng lý thuyết vào công tác kiểm kê di sản Mo Mường ở Hà Nội, hướng dẫn kiểm kê; thực hành kiểm kê thông qua việc phỏng vấn các thầy Mo, thầy Clượng tới cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin đại diện các quận, huyện, thị xã; cán bộ văn hóa xã; các nghệ nhân thực hành di sản Mo Mường.
Thông qua những kiến thức được các chuyên gia cung cấp, nhận thức về di sản Mo Mường được củng cố, nâng cao hơn trong đội ngũ cán bộ, qua đó, phục vụ tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mo Mường, hướng tới việc Mo Mường được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.
Giang Nam