Hoạt động của ngành

Tìm giải pháp tăng cường thu hút khách Nhật Bản đến Việt Nam

Cập nhật: 16/05/2019 10:30:19
Số lần đọc: 1176
(TITC) - Sáng ngày 15/5/2019, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương đã chủ trì buổi tọa đàm bàn về các giải pháp thu hút khách Nhật Bản đến Việt Nam. 


Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tham dự có lãnh đạo các Vụ chức năng thuộc Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không cùng các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương.

Nằm ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản là một trong những thị trường khách quốc tế quan trọng nhất của du lịch Việt Nam. Lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam liên tục tăng, đứng thứ 3 trong các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam sau Trung Quốc và Hàn Quốc.


 Ông Vũ Nam – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch

Năm 2018, Việt Nam đón 826.674 lượt khách Nhật Bản, tăng 3,6% so với năm 2017. Bốn tháng đầu năm 2019, khách Nhật Bản đến Việt Nam đạt 302.804 lượt, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách Nhật Bản đến Việt Nam có tốc độ tăng trưởng chưa cao nhưng ổn định, kể cả trong một số năm lượng khách outbound Nhật Bản giảm mạnh như năm 2013, 2014, 2015 thì lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam vẫn tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 8%/năm. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự kiến năm 2020, Việt Nam sẽ đón được 1 triệu khách Nhật Bản.

Một số điểm du lịch của Việt Nam thu hút khách Nhật Bản là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, cụm các điểm Huế - Đà Nẵng – Hội An, Nha Trang, đồng bằng sông Cửu Long… với các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa, di sản thế giới và nghỉ dưỡng biển.


Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu tại buổi tọa đàm

Theo ông Vũ Nam – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch), việc thu hút khách Nhật Bản đến Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, trong đó các kênh, công cụ xúc tiến du lịch chủ yếu vẫn là các kênh truyền thống, các hoạt động e-marketing hầu như chưa được triển khai; hướng dẫn viên tiếng Nhật cũng như nguồn lực phục vụ khách Nhật Bản của Việt Nam còn thiếu và yếu; chất lượng dịch vụ chưa đồng đều giữa các điểm đến, thiếu các sản phẩm mới hấp dẫn; cùng một số hạn chế khác về nhà vệ sinh công cộng, biển chỉ dẫn tiếng Nhật, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường tự nhiên…

Trong thời gian qua, du lịch Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động xúc tiến quảng bá như tham gia Hội chợ Du lịch JATA Nhật Bản tổ chức thường niên vào tháng 9 tại Tokyo; tổ chức các chương trình giới thiệu điểm đến tại các thành phố lớn của Nhật Bản; tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản; mời và đón các đoàn báo chí, doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam khảo sát sản phẩm dịch vụ.


Các doanh nghiệp du lịch

Để tăng cường thu hút khách Nhật Bản đến Việt Nam trong thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai phân khúc thị trường với việc thu hút phân khúc khách cao tuổi, có điều kiện đi du lịch, có khả năng chi trả cao, phân khúc khách nữ và phân khúc về du lịch học đường. Về sản phẩm du lịch, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng biển, di sản và du lịch thành phố với các điểm đến được khách Nhật yêu thích, điều kiện tiếp cận thuận lợi và chất lượng du lịch đảm bảo như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Huế, Phú Quốc…. Về các kênh xúc tiến, quảng bá du lịch, ngoài các kênh truyền thống, đẩy mạnh các hoạt động e-marketing thông qua mạng xã hội bằng tiếng Nhật và các chiến dịch quảng bá trực tuyến. Ngoài ra, nghiên cứu mô hình thuê đại diện marketing du lịch tại thị trường này hoặc tăng cường xã hội hóa trong các hoạt động quảng bá trực tiếp tại thị trường, tiếp tục hợp tác với các hãng hàng không tổ chức các chương trình giới thiệu điểm đến tại các thành phố lớn của Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Shige Matsu – Công ty TNHH Du lịch H.I.S Sông Hàn Việt Nam cho biết, Việt Nam là điểm đến ưa thích của du khách Nhật Bản, tuy nhiên lượng khách Nhật quay trở lại Việt Nam còn thấp so với các điểm đến như Thái Lan, Singapore hay Hawaii. Vấn đề đặt ra là dịch vụ của các điểm đến tại Việt Nam còn thiếu, chưa phong phú về hình thức, đặc biệt khách Nhật Bản có yêu cầu rất cao về phong cách phục vụ đón tiếp, vì vậy du lịch Việt Nam cần tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đến việc thể hiện sự hiếu khách. Với các đoàn famtrip, presstrip của Nhật Bản đến khảo sát Việt Nam cần bố trí thêm các buổi gặp mặt, tiếp xúc giữa các thành viên đoàn với các khách sạn, nhà hàng để hai bên có thể đóng góp, chia sẻ những ý kiến trực tiếp.

Theo đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), trong thời gian tới, để thu hút thêm được nhiều khách quốc tế nói chung và khách Nhật Bản nói riêng, Tổng cục Du lịch cần bố trí nguồn lực dành riêng cho việc nghiên cứu về từng thị trường khách trọng điểm, đồng thời đẩy mạnh quảng bá tại các sân bay để tạo ấn tượng với khách quốc tế.

Đồng tình với các quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Tấn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH JTB-TNT cho rằng, du lịch Việt Nam cần chú trọng vào công tác xúc tiến quảng bá tại từng thị trường, cần tìm hiểu kỹ nhu cầu của mỗi thị trường để chủ động có những hoạt động, sự kiện xúc tiến phù hợp. Bên cạnh đó cần xây dựng phần mềm ứng dụng du lịch dành riêng cho mỗi thị trường để du khách có kênh thông tin chính thống tìm hiểu về thị trường Việt Nam trước và trong chuyến đi. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch cũng nên phối hợp với các doanh nghiệp có tiềm lực để tổ chức các chương trình roadshow quy mô, chất lượng để thu hút nhiều khách quốc tế hơn nữa.

Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu dự tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng để thu hút thêm nhiều khách Nhật Bản trong thời gian tới, du lịch Việt Nam cần nhiều sự đóng góp, gắn kết của các doanh nghiệp du lịch trong công tác xúc tiến, quảng bá tại thị trường Nhật Bản. Phó Tổng cục trưởng mong muốn các các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch ủng hộ ý tưởng thành lập nhóm chuyên nghiên cứu về thị trường Nhật Bản, để Tổng cục Du lịch có những kế hoạch dài hạn và tập trung hơn về thị trường trọng điểm này. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương giao các Vụ chức năng của Tổng cục Du lịch nghiên cứu về các đề xuất của các doanh nghiệp, đồng thời xem xét tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nhân lực cho các khách sạn, doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên; đồng thời phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng điểm đến, bảo vệ môi trường du lịch.

Tin, ảnh: Thu Thủy

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục