Hoạt động của ngành

TP. Bạc Liêu: Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong phát triển du lịch

Cập nhật: 29/09/2021 09:37:35
Số lần đọc: 887
So với các địa phương khác trong tỉnh Bạc Liêu, TP. Bạc Liêu hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển các loại hình du lịch. Vì vậy, TP. Bạc Liêu đã ban hành Chương trình hành động về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư và xem đây là một trong những giải pháp đột phá cho tăng trưởng kinh tế.


Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Để thực hiện thắng lợi chương trình hành động này, TP. Bạc Liêu sẽ ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách thành phố, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh và nguồn xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, đề xuất với tỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển du lịch, đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, tạo điều kiện cho người dân tham gia kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và chính sách phát triển du lịch cộng đồng.

Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, lựa chọn những nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án quy mô lớn, trọng điểm để tạo động lực và sức lan tỏa cho du lịch phát triển. Huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch, đa dạng hóa các loại hình đầu tư. Trong đó, khuyến khích đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư trong phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch. Thiết lập môi trường đầu tư thuận lợi, chủ động bố trí ngân sách, quỹ đất, xây dựng các cơ chế thông thoáng, chính sách ưu đãi thuận lợi, đặc thù về thuế, tiền thuê đất, khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm lưu niệm, các loại hình kinh doanh du lịch. Tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.

Song song đó, TP. Bạc Liêu sẽ tập trung nguồn lực xây dựng và thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành thành phố du lịch, là trung tâm điều tiết, kết nối, tạo động lực phát triển du lịch của toàn tỉnh và trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Biểu diễn đờn ca tài tử tại vườn nhãn xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh: L.D

Tăng cường xây dựng hạ tầng

Một trong những giải pháp tạo nền tảng cho du lịch phát triển được thành phố xác định chính là tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, cũng như tiếp tục triển khai Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn TP. Bạc Liêu.

Theo đó, thành phố sẽ theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch như: Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu; Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi - giải trí, kết hợp với biện pháp bảo tồn Vườn chim Bạc Liêu; đánh giá hiệu quả việc triển khai Đề án bảo tồn nhãn cổ để khai thác phục vụ du lịch, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các biện pháp khả thi để xây dựng Giồng Nhãn trở thành khu du lịch sinh thái trọng điểm của thành phố. Thu hút đầu tư khu du lịch sinh thái gắn với tham quan điện gió; các dự án xây dựng khu quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ven biển; tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa gắn với tổ chức các dịch vụ du lịch để thu hút du khách. Khẩn trương xây dựng Đề án trình Bộ VHTTDL để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Khu du lịch tổng hợp Nhà Mát vào danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia trước năm 2025.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ quan tâm đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng các cơ sở du lịch hiện có và triển khai những dự án mới về du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch theo hướng nâng dần tỷ lệ khách sạn cao cấp từ 3 sao trở lên, đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của du khách đến Bạc Liêu.

Thành phố cũng quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là đối với địa bàn trọng điểm, động lực để phát triển du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch; cải tạo, mở rộng các tuyến giao thông đến các di tích văn hóa, lịch sử của tỉnh. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành Du lịch; khuyến khích những nhà đầu tư chiến lược hình thành các khu du lịch sinh thái, du lịch tổng hợp có quy mô lớn, những dự án về trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, văn hóa - nghệ thuật, lễ hội…

Đỗ Ái (UBND TP. Bạc Liêu)

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Cùng chuyên mục