Tp. HCM: Tránh phát sinh “rào chắn, chốt chặn” khi đón khách quốc tế
Tự tin mở cửa
Trao đổi tại tọa đàm, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, góp ý Tp.HCM được mệnh danh thành phố không ngủ, nhưng hiện tại các hoạt động vui chơi, giải trí chỉ dừng ở 22 giờ, nên tính toán lộ trình mở rộng sau khung giờ này. Đối với việc đón khách quốc tế, việc xét nghiệm Covid-19 đi và đến sẽ gây bất tiện, mệt mỏi, nên đề nghị các ban ngành, sở y tế hỗ trợ bằng cách đến khách sạn xét nghiệm nhanh cho khách.
Du khách Pháp tham quan Tp.HCM bằng xe buýt 2 tầng. Ảnh: Hân Gia
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng đề xuất: “ Cần coi khách quốc tế đến Việt Nam du lịch cũng giống như khách Việt Nam, không bị phân biệt đối xử với các quy định xét nghiệm, cách ly khắt khe…. Có như vậy khách mới cảm nhận được sự đối đãi chân tình của chúng ta”. Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng TAB, cho rằng đề xuất mới đây của Bộ Y tế (siết chặt các quy định đón khách quốc tế từ 15-3 - PV), sẽ không thực hiện được và ngành du lịch cần tự tin mở cửa đón khách. Nếu du khách đáp ứng điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam nên đối xử với họ như người Việt.
Gỡ rào cản chính sách
Việc đón khách hiện nay đã có chủ trương rộng mở, nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây vẫn là “cánh cửa hẹp”. Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, cho biết, cần sớm có kế hoạch, hướng dẫn chính thức và một cơ chế đặc thù cho du lịch Tp.HCM đón khách inbound (đưa khách quốc tế vào Việt Nam) cũng như outbound (đưa khách đi nước ngoài). Cơ chế này giúp cơ quan quản lý, doanh nghiệp chủ động cập nhật các thủ tục liên quan, xúc tiến tiếp thị, chào bán sản phẩm đến khách hàng... Vì du lịch quốc tế cần nhiều thời gian chuẩn bị hơn so với du lịch nội địa. Thêm nữa, kế hoạch đưa ra cần thực thi thống nhất liên ngành, liên vùng, giữa Tp.HCM với các điểm đến khác, tránh phát sinh “rào chắn, chốt chặn” dưới nhiều hình thức khác nhau, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch liên tuyến của du khách quốc tế.
“Tp.HCM cần khai thác vị thế đặc trưng của một thành phố năng động để có các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự khác biệt khi mở cửa phục hồi các thị trường du lịch quốc tế. Đồng thời ngành du lịch Tp.HCM nên đánh giá nghiên cứu, dự báo cụ thể các thị trường khách quốc tế trọng điểm trong thời gian hiện nay và sắp tới; đẩy mạnh thu hút, khai thác trung tâm du lịch MICE quốc tế - loại hình du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị”, ông Võ Anh Tài khuyến nghị.
Ông Trương Phương Thành, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, chỉ ra rằng các chính sách xuất nhập cảnh chưa thuận tiện, trở thành rào cản “ngáng chân” doanh nghiệp. Cụ thể, mới đây chuyến bay từ Tp.HCM đi Melbourne (Australia) của công ty có hơn 260 khách nhưng chỉ 220 khách kịp làm thủ tục lên máy bay do điều kiện xuất nhập cảnh phức tạp, tốn kém thời gian. Điều đáng nói, hành khách trên chuyến bay đều là người Việt, chỉ có một vị khách nước ngoài (có vợ người Việt Nam).
Về chính sách thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế, nhiều doanh nghiệp đề xuất khi mở cửa đón khách, cần sẵn sàng phục hồi ngay chính sách miễn thị thực nhập cảnh đơn phương cho 22 quốc gia, đã được thực hiện trước khi dịch Covid-19 bùng phát (tạm ngừng từ tháng 3-2020).
Việc mở cửa đón khách không đồng nghĩa khách du lịch sẽ quay trở lại như bình thường. Do vậy, ngoài việc doanh nghiệp tự thân vận động rất cần một chính sách thông thoáng để ngành du lịch thực sự “sống lại”.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM: Hàng loạt sự kiện chào đón khách quốc tế Để đón khách quốc tế đến Tp.HCM, ngành du lịch thành phố đã có sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn nhân lực, sản phẩm tour tuyến… Trong tháng 3 này chính thức diễn ra Lễ hội Áo dài Tp.HCM, khởi động chương trình “Tp.HCM chào đón bạn”; tháng 4 tổ chức Ngày hội Du lịch Tp.HCM; tháng 6 với Lễ hội ẩm thực Tp.HCM; tháng 9 tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Tp.HCM (ITE HCMC)… Ngành du lịch tạo một chuỗi sản phẩm có chất lượng tốt để hút khách đến Tp.HCM, với mong muốn lan tỏa thiện chí, tấm lòng hiếu khách của người dân Sài Gòn - Tp.HCM đến với bạn bè trong nước cũng như quốc tế. |
Thi Hồng