TP Hồ Chí Minh nỗ lực vực dậy ngành du lịch
Phát triển sản phẩm mới
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, thành phố có lợi thế lớn nhất chính là cộng đồng DN. Do vậy, năm nay phải tập trung tốt vực dậy khối này. Năng lực thành phố chi phối khách du lịch của cả nước (luồng tuyến, tour), mặc dù thực tế cho thấy đang có xu hướng du lịch tự hành. Vì vậy, ngành du lịch cần nhắm vào đối tượng giúp DN TPHCM phục hồi. Kế đến là làm du lịch thông minh, mang tầm chiến lược. Thành phố có thế mạnh từ những điểm nhỏ (kinh doanh ăn uống…), Sở Công thương đang đẩy mạnh triển khai 2 đợt khuyến mãi lớn kích cầu du khách chi tiêu, mua sắm trong năm 2021; mở thêm các điểm hoàn thuế cho du khách.
Tuy vậy, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cũng kiến nghị: “Đối với liên kết du lịch mở rộng, kích cầu du lịch cần làm nhưng theo hướng tinh gọn, tránh tràn lan. Nên có chính sách hỗ trợ cho vay tín chấp bằng quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa của thành phố để vực dậy DN du lịch khó khăn”. Sở GTVT TPHCM thông tin thêm, trong năm nay, sở sẽ triển khai và hoàn thành tuyến tàu cao tốc TPHCM đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Về phía DN, ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, xác định năm nay chưa thể đón khách quốc tế, mà tập trung vào đối tượng khách nội địa. Ông kiến nghị thành phố xem xét các vấn đề hỗ trợ DN du lịch. Năm 2021, nguồn thu rất khó khăn. Sự hỗ trợ của thành phố nên đi vào các DN có nhiều đóng góp, tạo dựng thương hiệu cho thành phố, mà năm nay nhiều DN có khả năng dừng “cuộc chơi”. Thành phố có thể sử dụng các quỹ hỗ trợ; hoặc ngồi lại với DN để lắng nghe họ nói, ví dụ “coffee thứ bảy” hoặc chủ nhật…
Du khách TPHCM tham quan Phú Quốc vào tháng 2-2021. Ảnh: GIA HÂN
“Tầm nhìn cho 5 năm tiếp theo liệu ngành du lịch có gì mới? Tôi cho rằng, có thể lấy một bảo tàng điển hình, thu hút khách làm chuyên đề cho năm 2021. Vừa qua, chúng tôi khảo sát thấy đảo Thiềng Liềng thuộc huyện Cần Giờ rất hấp dẫn du khách, nhưng để triển khai thành công lại gặp trắc trở bài toán đường đi”, ông Nguyễn Đông Hòa chỉ ra những bất cập.
Ở góc độ Hiệp hội Du lịch TPHCM, ông Lại Minh Duy, phó chủ tịch hiệp hội, cho hay: “Thời điểm hiện nay chúng tôi rất lo, vì DN còn thực lực không nhiều… Ngành du lịch nên kết hợp với các quận huyện trên địa bàn thành phố để thu hút khách. Khách miền Bắc, miền Trung đang rất quan tâm đến các điểm đến. Thành phố nên thống kê những điểm sáng du lịch, khai thác thêm ở TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ… Thêm nữa, cần lắm sự hợp tác giữa Sở Công thương với Sở Du lịch để cho ra các chương trình mua sắm, gắn kết điểm đến…”.
Tiếp tục gỡ khó về chính sách
Thống kê nhanh của Sở Du lịch TPHCM, tính đến giữa tháng 3-2021, có khoảng 90% DN lữ hành vừa và nhỏ, DN lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound (đưa khách quốc tế vào Việt Nam) đã tạm ngưng hoạt động. Đối với lực lượng hướng dẫn viên du lịch, chì còn lực lượng hướng dẫn viên chính thức của các công ty lữ hành còn hoạt động (hướng dẫn viên quốc tế còn khoảng 10%, hướng dẫn viên nội địa còn khoảng 40%-50%)… Riêng đối với hướng dẫn viên cộng tác hoặc tự do đã phải chuyển nghề bán hàng trực tuyến, kinh doanh bảo hiểm, bất động sản…
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nhìn nhận rằng, “sức khỏe” của DN du lịch TPHCM hiện rất yếu. Nếu không có những biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ kịp thời sẽ rất khó vực dậy ngành du lịch. Trong đó, bà Hoa kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục giãn thuế, giảm thuế cho DN, gồm thuế VAT, thuế thu nhập DN; hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ trong năm 2021. Ngoài ra, sở cũng tăng cường thông tin tuyên truyền đến người dân, du khách lựa chọn mua tour tại các DN uy tín, nhằm giảm thiểu tình trạng mua trúng tour dỏm, kém chất lượng.
Ông Lại Minh Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, phản ánh thêm, nhiều DN nộp tiền ký quỹ vào ngân hàng và hầu như không biết lãi suất ngân hàng là gì, nhưng khi gặp khó khăn, muốn vay lại không được. Chỉ có một giải pháp là tạm ngưng hoạt động kinh doanh để rút tiền ký quỹ ra. Như vậy dễ vướng thủ tục hành chính gây khó cho DN, cũng như đơn vị cấp phép. Lúc đó, ngành du lịch nói chung, thành phố nói riêng sẽ bị ảnh hưởng, vì là điểm đến thu hút lượng lớn du khách.
Nhắc lại những giai đoạn trước (dịch SARS 2003, dịch cúm H5N1…), ông Duy chỉ rõ, thời điểm đó thuế VAT giảm còn 0% giúp giá thành du lịch giảm, khuyến khích tiêu dùng. Do vậy, lúc này DN rất cần gói hỗ trợ kịp thời.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp thiết thực của các sở ngành, DN cho ngành du lịch TPHCM. Với Sở Du lịch thành phố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu: “Đối với các kiến nghị, trước khi đưa ra, sở nên có từng đánh giá cụ thể, nêu rõ nội dung thiệt hại, có con số chứng minh... để đi đến giải quyết tận cùng vấn đề. Thành phố luôn đồng hành cùng Sở Du lịch kiến nghị Chính phủ về các gói hỗ trợ. Năm nay, Sở Du lịch cần có những sản phẩm du lịch mới, gắn kết với các địa phương, gồm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng… để tranh thủ chớp thời cơ, thu hút du khách”. |
THI HỒNG