Hoạt động của ngành

TP. Hồ Chí Minh: Tết Văn hóa – Nghĩa tình và chuỗi sự kiện mừng Xuân Giáp Thìn 2024

Cập nhật: 06/02/2024 12:08:49
Số lần đọc: 664
Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, TP.HCM lại bừng sắc xuân với nhiều hoạt động chào đón năm mới, trong đó có những hoạt động được tổ chức thường niên, được thiết kế theo chủ đề của từng năm và trở thành thương hiệu của thành phố, thu hút sự quan tâm người dân và du khách đến tham quan, thưởng lãm.

Không khí Xuân Giáp Thìn 2024 tại không gian trước chợ Bến Thành, TP.HCM. Ảnh: Quốc Thanh

Với chủ đề “Xuân yêu thương - Tết sum vầy”, Hội Hoa Xuân 2024 tại công viên Tao Đàn (từ ngày 6-15.2, nhằm ngày 27 tháng Chạp năm Quý Mão đến Mùng 6 Tết Giáp Thìn) có các thiết kế, cảnh quan mang đậm chất nghệ thuật, giàu ý nghĩa dân gian và các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mới lạ, đặc sắc. Theo đó, cổng chính trên đường Trương Định là hình ảnh đôi Lưỡng Long, bên cạnh là nền hoa rực rỡ tượng trưng cho sự phồn vinh viên mãn. Trục hồ dài từ cổng Trương Định là hình ảnh tái hiện lại sự tích “Cá chép hóa rồng”, thể hiện khát vọng một năm mới phát triển, phồn vinh, thịnh vượng…

Cổng chính trên đường Nguyễn Thị Minh Khai mô phỏng hình ảnh tuyến tàu điện Metro đưa du khách lên những chuyến tàu tham quan, chiêm ngưỡng kỳ hoa dị thảo tại Hội Hoa Xuân. Tiểu cảnh Tháp Chàm với hình tượng bánh chưng, bánh tét, dưa hấu đỏ... thể hiện sự ấm no, cầu chúc sự sung túc, đủ đầy trong năm mới và các tiểu cảnh ao sen, cầu tre mang đậm màu sắc của miền quê, gợi nhớ những hình ảnh bình dị, thân thuộc với người dân Việt Nam. Hội Hoa Xuân còn có các chương trình văn hóa - nghệ thuật, ca múa nhạc tạp kỹ, hài kịch, biểu diễn lân sư rồng vào Mùng 1, 2, 3 Tết. 

Chợ hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” đêm khai mạc 5.2 vừa qua. Ảnh: Lê Việt

Chợ hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” Tết Giáp Thìn 2024 đã chính thức khai mạc vào ngày 5.2 (tối 25 tháng Chạp) và sẽ diễn ra đến ngày 9.2 (30 tháng Chạp), quy tụ gần 700 điểm kinh doanh. Điểm nổi bật của Chợ hoa Xuân 2024 là con đường nghệ thuật gốm đỏ của tỉnh Vĩnh Long, làng gốm đã tồn tại hơn 100 năm, sản phẩm đặc sắc này đã tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo của Vĩnh Long.

Điểm nhấn khác tại chợ “Trên bến dưới thuyền” là không gian hoa đặc sắc của Đà Lạt, tạo nên quần thể biến tấu đa dạng kết hợp từ nhiều loài hoa; hay các gian nhà chung giới thiệu, trưng bày các sản phẩm đặc trưng vùng miền được thiết kế đẹp, lạ như các loài hoa khoe sắc của huyện Chợ Lách (Bến Tre); thanh long vàng (Vĩnh Long); quýt hồng (Lai Vung), xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp), rau củ quả (Đà Lạt)… 

Biểu diễn Đờn ca tài tử trên ghe bầu dọc theo tuyến kênh Tàu Hủ. Ảnh: Lê Việt

Trong khuôn khổ Chợ hoa Xuân, cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động như biểu diễn Đờn ca tài tử trên ghe bầu dọc theo tuyến kênh Tàu Hủ; biểu diễn Lân Sư Rồng, Hội thi ảnh nghệ thuật; gian hàng trải nghiệm gói và nấu bánh tét; Phố ông đồ; diễu hành duyên dáng áo dài Hoa; Hội thi viết thư pháp “Nét bút mừng Xuân”.

Lễ hội Đường Sách Tết Giáp Thìn 2024 sẽ khai mạc vào 17h ngày 7.2 (nhằm ngày 28 tháng Chạp) và kéo dài đến hết 14.2.2024 (Mùng 5 Tết) tại tuyến đường Lê Lợi, Quận 1. Lễ hội năm nay có hơn 20 đơn vị đồng hành. Các NXB, công ty sách chăm chút, đầu tư khi mang đến hơn 3.000 tựa sách, tương đương khoảng 59.000 quyển và nhiều chương trình diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội. 

BTC cho biết, Lễ hội Đường Sách với thiết kế đại cảnh trống đồng Đông Sơn hơn 300m2, mang biểu tượng thiêng liêng của tinh hoa văn hóa truyền thống và lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, kết hợp cùng tiểu cảnh linh vật hình rồng ấn tượng.  

Năm nay, lần đầu tiên tại Lễ hội Đường sách Tết tổ chức chương trình Lì xì sách vào Mùng 1 Tết (nhằm ngày 10.2.2024). Theo đó, hàng trăm tựa sách sẽ được trao tặng miễn phí đến mọi lứa tuổi bạn đọc trong ngày khai xuân đầu năm. Ngoài ra còn có chương trình Sách và Tình yêu diễn ra vào ngày hoạt động cuối cùng của Lễ hội (trùng với Lễ Tình nhân 14.2). Tại đây, người dân và du khách được thưởng thức không gian âm nhạc sôi động, lãng mạn, vui tươi với các tiết mục văn nghệ acoustic. Đặc biệt, tại các gian hàng sẽ đồng loạt phát động “Phá cỗ sách Tết” tặng sách cho người tham dự.

Đường hoa Nguyễn Huệ trong giai đoạn đang thi công

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 (khu vực Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ, Quận 1) diễn ra trong 8 ngày, từ 7-14.2 (nhằm 28 tháng Chạp đến Mùng 5 Tết). Đường hoa tích hợp những giá trị văn hóa truyền thống vào ngôn ngữ thiết kế hiện đại, hòa điệu cùng bản sắc vùng đất phương Nam. 

Đặc biệt, ba linh vật rồng trên đường hoa 2024 tại đại cảnh cổng chào (giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi) và cổng kết (giao lộ Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng) lập kỷ lục kích thước con giáp từng xuất hiện trên đường hoa, vượt qua Nhâm Thìn 2012 và hổ năm Nhâm Dần 2022 với chiều dài linh vật vượt 100m. Linh vật rồng trên đường hoa năm nay cũng nổi bật về tính thân thiện môi trường, khi hơn 90% vật liệu chế tác là thép tạo hình và hệ thống mành quạt nan bao phủ toàn thân giả vẩy (linh vật cổng chào) hoặc hệ thống đèn led khắp thân tạo hiệu ứng (rồng cổng kết).

Ngoài chuỗi sự kiện mang đậm tính văn hóa - du lịch, phục vụ cho người dân và du khách vui Xuân - thưởng ngoạn, TP.HCM còn tổ chức các nghi thức, lễ hội chào năm mới. Theo đó, Lễ dâng cúng bánh tết Quốc tổ Hùng Vương và Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sẽ diễn ra vào 6.2 (nhằm 27 tháng Chạp), tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng, Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc. Lễ dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ CHí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng diễn ra ngày 6.2, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP.HCM. Song song đó, TP.HCM tổ chức các đoàn Lễ viếng Nghĩa trang Thành phố.

Chương trình Đón giao thừa Tết Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra từ 20h ngày 9.2 đến 0h ngày 10.2 (từ ngày 30 tháng Chạo đến Mùng 1 Tết). Chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789-2024) tổ chức vào 19h ngày 14.2 (Mùng 5 Tết), tại Khu vực phía trước Nhà hát Thành phố. Lễ hội Tết Nguyên tiêu Xuân Giáp Thìn 2024 và Ngày thơ Việt Nam sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 22-24.2 (nhằm ngày 13-15 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại khu vực trung tâm của Quận 5, Quận 6, Quận 11 và các Hội quán trên địa bàn Quận 5; Hội Nhà văn TP.HCM…

Thùy Trang

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Ngày 06/02/2024

Cùng chuyên mục