TP.Hồ Chí Minh phục dựng thêm một di tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn
Sáng nay (20/12), Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, UBND quận 10 tổ chức Tọa đàm khoa học Di tích lịch sử Nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận 10. Đây là một trong số những di tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.
Phía bên ngoài garage đã như nguyên bản
Bên trong garage được phục dựng nguyên trạng từ màu sơn đến các vị trí hiện vật
Tại tọa đàm, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử tập trung nhận xét, đánh giá, làm rõ quá trình hình thành, ý nghĩa và giá trị lịch sử của di tích, từ đó đề xuất phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám trước đây là Garage Citroen Dương Văn Đức D’Indochine, được xây dựng từ năm 1947. Trong thời kỳ kháng chiến, nhà này còn có tên là Garage Tự Lực, Garage Biệt động Sài Gòn, là cơ sở cách mạng Biệt động Sài Gòn, là nơi liên lạc hợp pháp, canh gác, bảo vệ cán bộ khi hội họp hoặc tạm trú của cách mạng. Căn nhà do ông Dương Văn Đức là chủ nhà trực tiếp quản lý, thực hiện nhiệm vụ.
Garage Tự Lực được lãnh đạo Biệt động Sài Gòn, lãnh đạo Quân khu Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định giao nhiệm vụ bảo trì, thiết kế thùng xe 2 đáy chứa vũ khí, tài liệu và làm phương tiện phục vụ công tác đảm bảo chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn nói riêng, lực lượng cách mạng trong nội đô Sài Gòn nói chung. Trong đó, tiêu biểu nhất là việc cán bộ Biệt động Sài Gòn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, thường xuyên gửi 2 chiếc xe ô tô cho ông Dương Văn Đức thiết kế, kiểm tra, bảo dưỡng để lãnh đạo cách mạng ra vào nội đô Sài Gòn và để Biệt động Sài Gòn sử dụng tấn công vào Dinh Độc Lập trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968.
Nhiều nhân chứng lịch sử tham gia tọa đàm với mong muốn Di tích sớm được công nhận, trở thành một địa chỉ đỏ về truyền thông cách mạng ở TP.HCM
Một nhân chứng từng làm việc tại Garage Dương Văn Đức trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Hiện nay, căn nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám đã được phục dựng lại nguyên trạng. Anh Trần Vũ Bình, con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, tham gia phục dựng di tích này nói: "Nếu nói đến Biệt động Sài Gòn, hoạt động giữa Sài Gòn, hợp pháp, đi lại bằng phương tiện xe ô tô, xe gắn máy thì phải có điểm sửa chữa, bảo dưỡng xe. Thì đây là điểm đó, một garage Biệt động Sài Gòn. Xe hơi biệt động đi phải có chỗ dấu, chỗ đổi số, chỗ đổi màu… là ở đây".
Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn- Gia Định, gia đình ông Dương Văn Đức và các đơn vị chức năng đã tiến hành lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, công nhận cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn- Garage Biệt động Sài Gòn là Di tích Lịch sử - văn hóa của TPHCM. Nếu như cơ sở này được công nhận Di tích Lịch sử- văn hóa thì sẽ là một điểm quan trọng trong “Cụm Di tích Lịch sử- Văn hóa của Biệt động Sài Gòn”, bao gồm các di tích đã được công nhận như: Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968”, Di tích Lịch sử cấp Quốc gia “Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 Biệt động Sài Gòn”, Di tích “Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn”.../.
Minh Hạnh